Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến phải được tổ chức triển khai ngay trong kế hoạch đầu năm học 2012 - 2013 của các đơn vị trong toàn ngành. Cần giới thiệu tổng thể nội dung Luật, Chiến lược và giới thiệu sâu, nhấn mạnh một số nội dung đối với từng nhóm đối tượng như: Cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành giáo dục; nhà giáo; người học; nhân dân.
Với Luật giáo dục ĐH, đối với đối tượng là cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành giáo dục cần tập trung vào các nội dung cơ bản: Phân tầng giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học; vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đối với nhà giáo, tập trung vào các nội dung cơ bản như hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của cơ sở giáo dục đại học; các chức danh giảng viên và trình độ chuẩn của chức danh giảng dạy đại học; nhiệm vụ và quyền của giảng viên; chính sách đối với giảng viên; quy định về giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên; các hành vi giảng viên không được làm.
Với người học, tập trung vào các quy định về mục tiêu giáo dục đại học; thời gian đào tạo; chương trình, giáo trình giáo dục đại học; văn bằng giáo dục đại học; chính sách đối với người học; nhiệm vụ và quyền của người học; các hành vi người học không được làm.
Đối với nhân dân, tập trung giới thiệu các điểm mới của Luật giáo dục đại học; các chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; các quy định về đầu tư cho giáo dục đại học, xã hội hóa giáo dục đại học; quản lý nhà nước về giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm soát chất lượng đào tạo;
Về Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, đối với đối tượng là cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành giáo dục cần tập trung vào các nội dung cơ bản như: Bối cảnh và thời cơ, thách thức đối với giáo dục nước ta giai đoạn 2011-2020; quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục; Mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2020; các giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020; việc tổ chức thực hiện chiến lược.
Đối với nhà giáo, tập trung vào các giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 như đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; phát triển khoa học giáo dục; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.
Đối với người học, tập trung vào các giải pháp về việc tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục cũng như tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội.
Đối với nhân dân, làm rõ những thành tựu cùng những bất cập, yếu kém của giáo dục hiện nay và nguyên nhân; các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến. Kết hợp các hình thức như tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Luật và Chiến lược; tổ chức thảo luận; lồng ghép nội dung giới thiệu Luật và Chiến lược trong các buổi sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên môn, các hội nghị, chương trình tập huấn, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn, phát miễn phí tài liệu và các tờ gấp phù hợp với từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người học; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, bản tin, đài truyền thanh nội bộ ...
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại