Không chỉ có hiện tượng học sinh chây lười hoặc “chán” học ở môn Lịch sử mà ngay ở môn Ngữ văn trong thời gian qua chất lượng học tập cũng đang ở mức báo động khi điểm kiểm tra cũng như điểm thi môn Ngữ văn trong các lần kiểm tra, các kỳ thi khảo sát chất lượng cuối kỳ, cuối năm; tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào cao đẳng, đại học rất thấp.
Cô Trần Thị Phúc Hòa giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quy Đôn tận tâm giảng dạy môn Ngữ Văn cho học sinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy chưa thực sự phổ biến, hợp lý và đồng bộ; bên cạnh đó trong mỗi tiết học vẫn còn tình trạng “đọc-chép” và “chiếu-chép” dẫn đến sự nhàm chán ở học sinh, nhiều giáo viên còn sa vào “độc thoại”, “độc diễn” trên bục giảng… Trong mỗi giờ dạy, giáo viên chưa hướng dẫn học sinh tìm hiểu, đánh giá về cách cảm thụ văn học, chưa đi sâu tìm hiểu tác phẩm bằng các phương tiện, biện pháp hỗ trợ như: thảo luận nhóm, nêu tình huống có vấn đề, sử dụng tư liệu, hình ảnh hay chiếu phim văn học. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không muốn định hướng cho con em mình theo học môn Ngữ văn vì sau này ít có điều kiện thi được vào các trường kinh tế, tài chính, ngân hàng,… Vì thế, học sinh chỉ chú trọng đầu tư cho các môn học tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa,… là chủ yếu.
Việc giúp học sinh say mê và thích thú khi học môn Ngữ văn là trách nhiệm của mỗi giáo viên, nhưng không ai khác chính học sinh cũng phải có ý thức tự rèn luyện, nuôi dưỡng niềm đam mê đối với môn học này. Đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành Giáo dục mà còn là của từng học sinh, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.
Các em học sinh chọn mua sách văn học thiếu nhi tại Nhà sách Fahasa. Ảnh: Sơn Ngọc
Để truyền niềm đam mê yêu thích học văn thì cần phải đổi mới về việc dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường để học sinh từng bước thay đổi tư duy và cách thức khi học văn. Muốn có được tiết dạy văn hay, trước hết giáo viên phải đem cái “tâm” của nghề để truyền “lửa” cho các em, sau đó mới tính đến chuyện giảng dạy những cái hay, cái đẹp trong từng con chữ, từng bài văn, câu thơ, từng hình tượng văn học, nhân vật… để gieo vào tâm hồn các em học sinh. Giáo viên cần đầu tư thời gian không chỉ cho việc soạn bài mà còn phải đưa ra các phương pháp giảng dạy phù hợp; sưu tầm hình ảnh, phim tư liệu, phim văn học… nhằm có được bài giảng hay và có chất lượng thu hút các em. Bên cạnh đó cần kết hợp dạy học tích cực để tạo tâm thế tốt cho các em dễ đi sâu vào nội dung kiến thức bài học, không quá gò bó và lệ thuộc vào giáo án. Phát huy tính đối thoại và giao lưu trao đổi trong giờ học để tạo nên những giờ học tích cực, ý nghĩa. Điều đó sẽ tạo được sự hứng thú giúp học sinh tiếp thu kiến thức môn học một cách nhẹ nhàng mà lại nhớ lâu.
Tuy nhiên, theo khung phân phối chương trình học môn Ngữ văn hiện nay, giáo viên phải tận dụng hết quỹ thời gian của một tiết học thì mới có thể truyền tải nội dung trong sách giáo khoa. Do đó, giáo viên cần kết hợp linh hoạt các khâu lên lớp để tiết học hiệu quả. Nhà trường cần đầu tư về trang- thiết bị dạy học bảo đảm được cho công tác dạy và học theo đúng tinh thần đổi mới của ngành Giáo dục đề ra khi dạy môn Ngữ văn, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa có máy vi tính, máy chiếu... Bên cạnh đó, cần có chính sách nâng cao đời sống cho giáo viên dạy văn để họ có thể sống được bằng nghề và toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp trồng người.
Văn Hà