Phó Thủ tướng yêu cầu đề án cần xác định rõ 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Đó là xóa mù chữ; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; học tập nâng cao trình độ để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Đề án xây dựng xã hội học tập cũng cần chỉ ra các công cụ thực hiện mục tiêu bao gồm: hệ thống giáo dục chính quy, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phục vụ giáo dục thường xuyên; Trung tâm giáo dục thường xuyên (hoặc kết hợp hướng nghiệp, dạy nghề) cấp huyện cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Khuyến học, Phòng Giáo dục; Trung tâm học tập cộng đồng và các trung tâm khác cấp xã (Trung tâm Văn hóa - Thể thao); Trường đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, rà soát các chỉ tiêu của Đề án theo hướng có tính khả thi cao, gắn với cơ sở, có ưu tiên kinh phí, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Phó Thủ tướng lưu ý, để thực hiện các mục tiêu của Đề án, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề xuất, trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, đề án của Chính phủ đã và đang thực hiện, cần xây dựng các đề án thành phần như Đề án xóa mù chữ và phổ cập tin học, ngoại ngữ; Đề án nâng cao trình độ cho người lao động (tách lao động trong các doanh nghiệp với lao động nông thôn); Đề án thông tin, truyền thông và một số đề án thành phần khác.
Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30-9-2012.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại