Bên cạnh đó, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa quyết liệt; công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với đối tượng phục vụ chưa tích cực, thiếu chặt chẽ và đồng bộ, nên chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh chậm được cải thiện. Với sự mất điểm của nhiều chỉ số đã phản ánh các doanh nghiệp chưa hài lòng đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước phải xem việc hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của mình và phải khắc phục những yếu kém một cách tích cực hơn.
Lao động trẻ được đào tạo nghề góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh CPI. Ảnh: Văn Miên
Ngày 07-9-2012, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI giai đoạn 2012 – 2015, nhằm tạo dựng hình ảnh về một tỉnh Ninh Thuận năng động và là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư. Để làm được điều đó theo chúng tôi cần quan tâm hơn nữa đến những vấn đề sau:
Một là, phải có quyết tâm chính trị cao: Muốn cải thiện trước hết phải nhìn nhận được hạn chế để từng bước khắc phục, điều này đỏi hỏi phải có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất của tỉnh, sự đồng thuận của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương. Nếu có quyết tâm chính trị và biết rõ ưu, nhược của mình để ứng xử thích hợp thì PCI của Ninh Thuận chắc chắn sẽ được cải thiện.
Hai là, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, minh bạch khi tiếp cận thông tin: Lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư với quan điểm “việc gì khó thuộc về cơ quan nhà nước, việc gì thuận lợi dành cho doanh nghiệp”, không để việc giải quyết dây dưa, kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp giữa các ngành đối với doanh nghiệp. Dám tiếp thu và cầu thị, thừa nhận những yếu kém, những bất cập trong bộ máy để sửa chữa, khắc phục đó cũng là cách “ghi điểm” của lãnh đạo các cấp.
Ba là, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chống nạn nhũng nhiễu, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung vào giải pháp giảm chi phí, thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước và giảm chi phí không chính thức, cụ thể như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ quan công quyền và dịch vụ công. Tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Xử lý nghiêm những cán bộ tự ý đặt ra các khoản thu, điều kiện ràng buộc ngoài quy định, gây khó khăn, phiền hà hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi có vụ việc xảy ra.
Một trong những giải pháp được đặt lên hàng đầu là phát huy nhân tố con người để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI trong thu hút đầu tư và vì sự phát triển lâu dài của tỉnh. Đây cũng là giải pháp mang tính “đòn bẩy” tạo nên sức mạnh cho thực hiện thắng lợi các giải pháp khác. Tuy nhiên, điều đó phải được cụ thể hóa bằng hành động gắn với trách nhiệm, tinh thần của mỗi ngành, mỗi người và không thể thiếu vai trò quan trọng của người dân trong thể hiện lòng yêu quê hương.
Ninh Thuận vẫn còn là một tỉnh nghèo, hạ tầng kinh tế còn yếu kém so với các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, phải tạo cho mình sức hút riêng để mời gọi các nhà đầu tư. Muốn vậy, tất cả mọi người phải nỗ lực không ngừng cho sự phát triển chung của tỉnh. Có vậy, mới tạo dựng cho Ninh Thuận một vị thế riêng và trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai .
Ngọc Hương