Đánh giá tác động xếp hạng tín dụng đối với hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam

Chiều 21/9, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá tác động xếp hạng tín dụng đối với hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Bình đã tới dự Hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Hội nghị có sự tham dự của 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các hiệp hội, các doanh nghiệp tiêu biểu...

Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao năng lực hoạt động xếp hạng tín dụng tại Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) nói riêng và hệ thống Ngân hàng Việt Nam nói chung.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội để các ngân hàng, các doanh nghiệp, các cơ quan trao đổi, bày tỏ quan điểm và nhìn nhận đầy đủ về tác động của xếp hạng tín dụng (XHTD) đối với hoạt động của mình để từ đó có thể thấy rõ hơn trách nhiệm trong việc phát triển hệ thống xếp hạng tín dụng Việt Nam chất lượng và uy tín, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Tại Hội nghị, ông Phạm Công Uẩn- Giám đốc CIC đưa ra nhận định, việc XHTD sẽ giúp các doanh nghiệp biết được sự đánh giá khách quan của cơ quan bên ngoài vào khả năng tài chính và tình hình hoạt động của chính doanh nghiệp. Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), thông tin XHTD rất quan trọng là cơ sở để lựa chọn và phân loại khách hàng, từ đó đề ra chính sách tín dụng hợp lý, giảm tỷ lệ nợ xấu, giảm rủi ro trong hoạt động của các tổ chức này. Đặc biệt, đối với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý, việc báo cáo thông tin tổng hợp về XHTD doanh nghiệp theo địa bàn, ngành nghề, quy mô... góp phần tăng cường thông tin thanh tra, giám sát cho ngân hàng, Nhà nước và các cơ quan quản lý. Đồng thời, dự báo các rủi ro và hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ cũng như ngăn ngừa các rủi ro do hệ thống, đảm bảo hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng an toàn và hiệu quả.

Đồng tình với ý kiến của ông Phạm Công Uẩn, ông Phạm Xuân Hòe, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, XHTD doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu của quản trị rủi ro trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, là bước khuyến khích các doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin, ngăn chặn rủi ro thất thoát vốn, sàng lọc các nguồn lực tốt nhất để đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để XHTD doanh nghiệp nâng cao được uy tín của mình cần tăng cường tính minh bạch về mặt thông tin, từ đó nâng cao chất lượng XHTD doanh nghiệp, mở rộng phạm vi xếp hạng. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế trao đổi thông tin giữa CIC và các cơ quan hoạch định chính sách, hỗ trợ chính sách tiền tệ một cách hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý vĩ mô nhằm có thể nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ông Hòe nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, CIC đã công bố phát hành ấn phẩm "Xếp hạng tín dụng Top 1000 doanh nghiệp Việt Nam - Năm 2012”. Đây là hoạt động thường niên của CIC trong 4 năm qua nhằm công bố danh sách 1000 doanh nghiệp ở các quy mô trung bình và lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả với kết quả kinh doanh từ khá trở lên, có kết quả quan hệ tín dụng tốt với các TCTD.

Hội nghị cũng biểu dương 5 tổ chức tín dụng tiêu biểu năm 2012 đối với nghiệp vụ XHTD doanh nghiệp của CIC bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank).

Được biết, Hội nghị lần này được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động thông tin tín dụng ngân hàng Việt Nam và 10 năm nghiệp vụ XHTD tại CIC ra đời và phát triển.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam