Kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vào đầu tháng 10 tới trong bối cảnh khủng hoảng châu Âu lan rộng.

Ảnh minh họa.

Phó giám đốc bộ phận chuyên trách vấn đề châu Á Thái Bình Dương thuộc IMF, ông Hoe Ee Khor cho biết: “Kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu. Chúng tôi sẽ hạ dự báo vài điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng tới”.

Dự kiến, IMF sẽ ra báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu vào ngày 9/10 tới. Trong báo cáo công bố hồi tháng 7, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2012 và 2013 lần lượt xuống 3,5% và 3,9%.

Trong ngày 20/9, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống 3% từ 3,25% đưa ra hồi tháng 6 với lý do kinh tế Hàn Quốc tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nợ công châu Âu, vấn đề nợ hộ gia đình.

“Mây đen” bao trùm Eurozone

Theo chỉ số PMI tổng hợp sơ bộ do Markit công bố ngày 20/9, hoạt động sản xuất và dịch vụ khu vực tư nhân của 17 nước thuộc khu vực đồng euro (Eurozone) thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2009, bất chấp suy thoái ở Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã có dấu hiệu cải thiện.

Trong tháng 9, PMI tổng hợp của Eurozone đã giảm từ 46,3 điểm trong tháng 8 xuống 45,9 điểm. Số điểm trên 50 cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang mở rộng, ngược lại số điểm dưới 50 thể hiện sự thu hẹp. Trước đó, PMI tổng hợp của Eurozone được dự báo sẽ tăng lên 46,7 điểm trong tháng 9.

Theo các chuyên gia kinh tế, PMI tổng hợp của Eurozone bị thu hẹp chủ yếu do khu vực sản xuất dịch vụ suy yếu. Trong tháng 9, chỉ số PMI của khu vực dịch vụ Eurozone giảm thấp nhất 38 tháng, từ 47,2 điểm giảm còn 46 điểm, Markit cho biết.

Trong ngày 20/9, Ngân hàng Anh vừa cảnh báo kinh tế Anh phục hồi chậm, trong khi đó, Italia và Thụy Điển hạ dự báo tăng trưởng năm 2012 và 2013.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Channel 4 News (Anh) ngày 20/9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King cho biết kinh tế nước này đã có dấu hiệu phục hồi, song vẫn cảnh báo quá trình phục hồi sẽ chậm chạp do cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro vẫn như "một đám mây đen" bao trùm lên nền kinh tế Anh.

Anh đã rơi vào suy thoái trong quý 1 và càng lún sâu hơn vào vũng lầy suy thoái trong quý 2.

Cùng ngày, Chính phủ Italia đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này do sự suy giảm trong môi trường quốc tế. Theo đó, kinh tế Italia sẽ giảm 2,4% năm 2012 và 0,2% năm 2013, tuy nhiên, chính phủ sẽ vẫn duy trì cam kết về cân bằng ngân sách vào năm tới.

Cũng trong ngày 20/9, Thụy Điển dự báo thâm hụt trong khu vực nhà nước sẽ là 0,6% GDP trong năm 2013 sau khi chính phủ đưa ra dự luật ngân sách mở rộng hôm 20/9 và giữ nguyên đánh giá triển vọng tăng trưởng mạnh bất chấp cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro.

Kinh tế Thụy Điển sẽ yếu hơn nhiều trong quý 2 so với dự báo trước đó, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,7% thay vì mức 1,4% như dự báo trước đó.

Kinh tế Trung Quốc sẽ trì trệ lâu hơn

Trả lời phỏng vấn ngày 19/9, chuyên gia kinh tế tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, ông Yuan Gangming cho rằng, tăng trưởng kinh tế nước này có thể chững lại 9 quý liên tiếp và xuống dưới 7% vào quý I/2013.

Ông Yuan dự báo, Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 7,4% và 7,2% lần lượt trong quý III và quý IV năm nay.

Điều này là do ảnh hưởng khủng hoảng châu Âu khiến nhu cầu với hàng hóa Trung Quốc giảm. Trong khi đó, về tình hình trong nước, nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc giảm. Các doanh nghiệp này khó tiếp cận hơn với nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Tình trạng này có thể sẽ tăng sức ép buộc giới chức Trung Quốc nỗ lực kích thích kinh tế hơn nữa.

Giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, Trung Quốc đã tung ra gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD) và tăng cường hoạt động cho vay của ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng. Sau khi suy giảm 7 quý liên tiếp và chạm đáy 6,2% vào quý I/2009, kinh tế Trung Quốc phục hồi, tăng trưởng 11,9% một năm sau đó.

Nguồn www.chinhphu.vn