Đường mía chứa tới 0,9g canxi, 0,1g sắt và rất nhiều thành phần các nguyên tố vi lượng khác, có tác dụng thúc đẩy quá trình hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, nó còn cung cấp cho chúng ta một lượng lớn các vitamin C, B1, B2 và B6 giúp ngăn chặn việc hình thành các khối u cũng như quá trình lão hoá của cơ thể.
Đông y cho rằng, đường mía vị ngọt tính ôn, có tác dụng bổ tỳ dưỡng gan, bổ huyết hoạt huyết. Chữa các bệnh ho, đau bụng sau sinh, thống kinh, bế kinh…
Các kết quả nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm dân gian, cũng cho thấy, đường mía có công hiệu trong trị liệu một số bệnh chứng như cơ thể cảm thấy mệt mỏi, sắc mặt không tốt thì hàng ngày hãy uống một cốc nước đường mía trước bữa ăn trưa. Nếu bệnh nặng hơn có thể uống thêm một cốc vào buổi tối. Uống liên tục trong 1 tuần, sức khoẻ sẽ được phục hồi. Hay phụ nữ có thai hoặc mới sinh nên dùng đường mía trong món ăn uống hàng ngày sẽ có lợi cho sức khỏe. Người già, người mới ốm dậy, người bị suy nhược cơ thể nên thường xuyên ăn trứng gà luộc bằng nước đường mía, rượu nếp với đường mía hoặc trà pha với đường mía. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường lại không nên áp dụng phương pháp này. Khi bị ong đốt, dùng nước đường mía đặc bôi lên chỗ sưng, cảm giác đau sẽ nhanh chóng biến mất. Trời hanh khô, luôn cảm thấy ngứa ngáy vì da bị mất nước. Hãy lấy đường mía pha loãng với nước. Dùng dung dịch này để tắm hoặc lau người khiến da sẽ mềm mại trở lại.
Dưới đây là một số phương thuốc trị bệnh có đường đỏ.
* Chữa bệnh khí hư, tăng huyết áp...Dùng canh mộc nhĩ nấu đường mía: Mộc nhĩ 20g, đường mía 40g, nước đủ dùng. Mộc nhĩ ngâm cho nở rồi rửa sạch, thái nhỏ. Cho mộc nhĩ, đường mía vào nồi, đổ nước, đun 20 phút là dùng được, ăn cả nước và cái, liên tục trong vòng 7 ngày, mỗi ngày 1 lần.
Hay cháo đương quy, táo tàu: Gạo tẻ 100g, đương quy, phục linh 25g, tào tàu 10 quả, đường mía đủ dùng. Vo sạch gạo, các vị thuốc trên rửa sạch, cho vào túi vải buộc kín, đổ nước vào nấu ấy nước, bỏ bã. Cho gạo tẻ vào nước thuốc đun thành cháo, cháo chín nhừ nêm đường mía vào là dùng được. Có thể ăn hằng ngày.
* Chữa vô kinh dùng cháo ý dĩ, sơn tra (công hiệu kiện tỳ hòa trung, bổ huyết, hoạt huyết, thông kinh): Ý dĩ 30g, sơn tra 15g, đậu cô ve 15g, đường mía, nước đủ dùng. Ý dĩ, sơn tra, đậu cô ve rửa sạch, sau đó cho vào nồi đổ nước đun nhừ thành cháo. Sau khi cháo chín nhừ, nêm đường mía vào là dùng được. Ăn cháo khi đói vào buổi sáng là tốt nhất. Ăn liên tục 5 thang.
* Điều kinh, lưu thông khí huyết, dùng món đậu đen nấu ích mẫu: Đậu đen 60g, ích mẫu 30g, đường mía, nước đủ dùng. Đậu đen và ích mẫu rửa sạch, ngâm nước. Sau đó cho 2 thứ trên vào nồi đổ nước đun tới khi đậu đen nhừ rồi nêm đường vào là dùng được. Khi ăn, ăn đậu đen, uống nước ích mẫu. Mỗi ngày ăn 1 thang, trong 5 ngày liền. (Món ăn này tốt cho vô kinh).
* Trị táo thể khí hư: Biểu hiện Đại tiện khó khăn dù phân không khô cứng, toàn trạng mệt mỏi, hay có cảm giác khó thở, dễ vã mồ hôi, ăn kém chậm tiêu, sắc mặt trắng nhợt, đại tiện lỏng hoặc nát, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng. Dùng Hỏa ma nhân 10g, vừng 5g, bột hạt dẻ 50g, bột ngô 50g. Hỏa ma nhân và vừng sao thơm tán bột, đem nấu với bột hạt dẻ và bột ngô thành dạng cháo loãng, chế thêm một chút đường mía, dùng làm món điểm tâm.
* Trị táo thể dương hư: Biểu hiện đại tiện khó khăn, sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, sợ lạnh thích ấm, hay đau bụng và lưng do lạnh, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, có thể có liệt dương di tinh, tiểu tiện trong dài, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng ướt. Dùng Tỏa dương 15 g, đường mía lượng vừa đủ. Sắc kỹ tỏa dương lấy nước bỏ bã, chế thêm đường mía, chia uống 2 lần trong ngày.
Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam