Muốn vậy, cần phải thu hồi một phần diện tích đất của người dân đã và đang sử dụng nằm trong vùng quy hoạch. Có thể nói, đây là vấn đề “nhạy cảm” vì liên quan thiết thân đến đời sống, sản xuất thậm chí còn là tình cảm của người dân. Vậy tỉnh ta đã thực hiện ra sao?.
Thi công tuyến đường ven biển đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh. Ảnh: Văn Miên
Những kết quả bước đầu
Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương và ngành chức năng, qua thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế (thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, công nghiệp, du lịch, đô thị, phục vụ dân sinh…) trên địa bàn tỉnh, chỉ tính từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh có 155 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi 5.243,3 ha, theo đó có 12.805 hộ phải thu hồi đất và tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 1.124,446 tỷ đồng.Đến nay, đã có 8.570 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích 3.221,50 ha để thực hiện các dự án, với tổng số tiền đã chi trả 894,399 tỷ đồng, chiếm gần 67% số hộ và 61,44% số diện tích. Đơn cử như, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện 16 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi 2.395,09 ha của 2.972 hộ, số tiền bồi thường, hỗ trợ được duyệt là 544,92 tỷ đồng. Trong đó đã chi trả 384,05 tỷ đồng. Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm trong tiến trình đô thị hóa có 18 dự án thực hiện với tổng diện tích đất thu hồi là 41,73 ha của 1.820 hộ. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được duyệt 168,55 tỷ đồng, trong đó đã chi trả 151,63 tỷ đồng và đã có 1.395 hộ đã bàn giao mặt bằng, với diện tích là 22,64 ha để thực hiện các dự án. Hay như tại địa bàn huyện Ninh Hải có 17 dự án triển khai với tổng diện tích đất thu hồi là 187,79 ha của 906 hộ; số tiền bồi thường, hỗ trợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 38,26 tỷ đồng. Đến nay đã chi trả 33,79 tỷ đồng, đã có 539 hộ đã bàn giao mặt bằng, với diện tích là 84,60 ha để thực hiện thi công công trình…
Để đạt được những kết quả bước đầu như đã nêu trên, ghi nhận đầu tiên đó là các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng được hoàn thiện và phù hợp, đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xác định đầy đủ chính xác, phù hợp với tình hình thực tế. Kế đến, mức bồi thường, hỗ trợ ngày càng cao nhất là đối với hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ được bổ sung và quy định rõ ràng nhằm giúp cho người dân ổn định đời sống và sản xuất. Cá biệt có một số Dự án đầu tư thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, song Nhà đầu tư đề nghị được tự thoả thuận với người sử dụng đất đã góp phần giảm sức ép cho các cơ quan hành chính trong việc thu hồi đất. Một trong những yếu tố góp phần thực hiện đạt kết quả là UBND tỉnh đã triển khai việc phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cấp huyện để chủ động thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh, gọn, đạt hiệu quả…
Vướng mắc cần được tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được như đề cập ở phần trên, thực tế thực hiện đã bộc lộ không ít những vướng mắc. Cụ thể, toàn tỉnh hiện còn 4.235 hộ do nhiều nguyên nhân khác nhau như chưa có kinh phí bồi thường, còn khiếu nại, tranh chấp (đang trong giai đoạn giải quyết)… nên chưa bàn giao mặt bằng với diện tích 2.021,82 ha, theo đó, tổng số tiền chưa chi trả trên 230 tỷ đồng. Tình trạng trên hầu hết các huyện ,thành phố đều vướng phải đơn cử như, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh còn “tồn” 1.167 hộ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích 1.308,88 ha và tổng số tiền chưa chi trả 160,88 tỷ đồng. Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm còn 425 hộ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích 19,08 ha. Huyện Thuận Nam thực hiện 13 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi là 249,03 ha của 2.709 hộ, số tiền bồi thường, hỗ trợ được duyệt là 223 tỷ đồng. Trong đó đã có 2.002 hộ bàn giao mặt bằng, với diện tích là 1.642,01 ha để thực hiện các dự án, hiện còn đến 707 hộ chưa bàn giao mặt bằng, với diện tích trên 548ha… Thực hiện công tác nói trên khá tốt phải kể đến huyện Ninh Phước. Với 20 dự án thực hiện với tổng diện tích đất thu hồi là 19,99 ha của 709 hộ, số tiền bồi thường, hỗ trợ được duyệt là 35,50 tỷ đồng. Hiện chỉ còn 01 hộ thuộc dự án Mở rộng Công ty UNI-PRESIDENT và 01 hộ tại dự án Đường quản lý, vận hành hồ chứa Lanh Ra chưa nhận đủ tiền bồi thường và chưa bàn giao mặt bằng…Ngoài các dự án nói trên đến nay trên địa bàn tỉnh còn có 33 Dự án khác đã thu hồi đất, tổ chức kiểm kê song chưa có kinh phí bồi thường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc nói trên, trong đó khó khăn lớn nhất trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong những năm qua là chính sách về đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Nhà nước thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi tạo ra những thời điểm giao thời giữa chính sách cũ và chính sách mới; một số dự án đang thực hiện theo chính sách hiện hành khi có thay đổi, không biết giá trị bồi thường, hỗ trợ thực tế tăng hay giảm đã tạo ra tâm lý so bì giữa hộ đã được bồi thường theo chính sách cũ với hộ được bồi thường theo chính sách mới. Mặc khác, một số dự án, do có khó khăn về nguồn vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài do vậy cùng một dự án nhưng phải áp dụng giữa chính sách cũ và chính sách mới cũng tạo nên tâm lý bức xúc cho người có đất bị thu hồi…
Xét về mặt thực tiễn, công bằng mà nói khâu chuẩn bị các điều kiện để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là công tác chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư và kinh phí bố trí chưa đủ hoặc không kịp thời theo phương án đã được phê duyệt.
Không những vậy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lõng; việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất để làm cơ sở bồi thường tại địa phương còn chưa được công khai, minh bạch và đúng thực tế. Việc tổ chức đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các huyện, thành phố còn chậm dẫn đến việc quản lý Nhà nước không đầy đủ nên xác nhận nguồn gốc sử dụng đất để làm cơ sở bồi thường gặp nhiều khó khăn; Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn yếu, do tính toán lợi ích cá nhân nên không chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tự ý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép để đón đầu dự án nhằm trục lợi; việc sang nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra còn khá phố biến dẫn đến tình trạng quy chủ để bồi thường , xác định loại đất để tính toán bồi thường gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng, đó là một số cơ quan được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án chưa thực hiện hết chức trách, trách nhiệm, không chuẩn bị được quỹ đất, quỹ nhà tái định cư. Việc thực hiện dân chủ, công khai, công bằng, đúng pháp luật ở một số dự án còn mang tính hình thức nên gây ra bức xúc cho người bị thu hồi đất...
Khó có thể nói hết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua. Với quan điểm phát triển bền vững, phát triển kinh tế phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các chính sách an sinh - xã hội… vấn đề đặt ra là cần phát huy những mặt mạnh thông qua kinh nghiệm thực tiễn đồng thời nhận rõ những hạn chế để tập trung khắc phục, trong đó cần chú trọng đến sự công bằng, tính công khai, minh bạch, dân chủ trong việc tổ chức và thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo cho nhân dân trong vùng thực hiện dự án được biết, được tham gia bàn bạc thảo luận phương án bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Việc bồi thường, hỗ trợ còn phải đảm bảo hài hoà quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước và phù hợp với điều kiện, khả năng tài chính ngân sách của địa phương, đồng thời tạo được môi trường thuận lợi để kêu gọi thu hút đầu tư và đảm bảo cho các đối tượng bị ảnh hưởng trong vùng thực hiện dự án có mức sống tốt hơn hoặc ít nhất cũng duy trì được mức sống cũ, có việc làm, khả năng thu nhập và được hưởng lợi từ dự án…
Hạ Huyền