Vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phạt đến 50 triệu đồng

Theo Nghị định 66/2012/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.

Theo quy định tại Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: cảnh cáo, phạt tiền với mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng.

Biếu, tặng cho, trao đổi tài sản nhà nước không đúng quy định phạt từ 5-50 triệu đồng

Nghị định quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi biếu, tặng cho, trao đổi tài sản nhà nước không đúng quy định có giá trị dưới 100 triệu đồng. Trường hợp tài sản là xe ô tô, tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì mức phạt là 10-20 triệu đồng. Nếu tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì mức phạt là 30-50 triệu đồng.

Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp thu hồi đối với tài sản biếu, tặng cho, trao đổi không đúng quy định.

Phạt đến 30 triệu đồng nếu lấn chiếm trụ sở làm việc

Mức phạt thấp nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 0,5 - 1 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi: Không thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở khác phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật; hành vi kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý với tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; quá thời hạn quy định mà vẫn chưa triển khai thực hiện phương án xử lý tài sản nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Phạt tiền từ 1 – 5 triệu đồng với các hành vi: Kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý với tài sản là xe ô tô; tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên… Mức phạt này cũng được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm đoạt trái phép tài sản nhà nước mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng được áp dụng với hành vi vi phạm quy định về xác định giá trị của tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản, hành vi xử lý tái sản khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền đối với tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Tổ chức có hành vi không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cũng sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng.

Thẩm quyền xử phạt

Theo quy định tại Nghị định, Chủ tịch UBND các cấp và Thanh tra các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Cụ thể: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành nhiệm vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng; Chánh Thanh tra cấp Sở có thẩm quyền phạt tiền đến 30.000 đồng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 2 triệu đồng; Chủ tịch UBND huyện có thế phạt đến 30 triệu đồng.

Thẩm quyền phạt mức phạt tiền tối đa 50 triệu đồng là Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh Thanh tra Bộ.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2012.

Nguồn www.chinhphu.vn