Hãy cảnh giác cúm A/H5N1 ở gia cầm lây sang người

(NTO) Bệnh cúm gia cầm (H5N1) là dịch bệnh nguy hiểm, không chỉ làm chết gia cầm hàng loạt, mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là tỷ lệ tử vong của bệnh này rất cao.

Thời gian gần đây, bệnh cúm gia cầm lại tái phát ở một số tỉnh, thành phố và đang có nguy cơ bùng phát và lan rộng. Do vậy, cần phải có những biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời, không để dịch bệnh đe dọa chăn nuôi và sức khỏe con người.

Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh rất dễ bị nhiễm virus cúm A/H5N1. Ảnh: N.Nguyên

Dịch cúm gia cầm do vi-rút cúm A/H5N1 lan truyền rất nhanh từ gia cầm sang gia cầm, do những đàn chim di trú và có thể gây bệnh ở người do tiếp xúc với gia cầm bệnh, như: chăn nuôi, làm thịt, ăn thịt gia cầm bệnh. Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 (ở các tỉnh phía Nam), và dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều nơi trong cả nước.

Tại tỉnh ta, tuy chưa có dịch xuất hiện, nhưng nguy cơ dịch vẫn có thể xảy ra. Do tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ còn phổ biến, giết mổ gia cầm chưa được quản lý chặt chẽ. Việc buôn bán, lưu thông gia cầm từ vùng này sang vùng khác khó kiểm soát, nên mầm bệnh có thể xâm nhập vào các đàn gia cầm là khó tránh khỏi. Thói quen không giữ vệ sinh trong và sau khi tiếp xúc với gia cầm, một số nơi người dân vẫn ăn tiết canh vịt, ngan, thịt gia cầm chưa nấu chín kỹ hoặc làm thịt, ăn thịt gia cầm bệnh... là nguyên nhân nhiễm vi-rút cúm A/H5N1 từ gia cầm bệnh sang người. Hiện nay thời tiết nắng, mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển có thể bùng phát thành dịch. Do đó cần phải chủ động phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Về cúm A/H5N1 ở người: Những người từng tiếp xúc với gia cầm bị cúm A/H5N1 hoặc người bị bệnh cúm A/H5N1 trước khi phát bệnh 7 ngày, hoặc người đang ở vùng có dịch cúm gia cầm có thể bị bệnh cúm A/H5N1 với các biểu hiện sau: Ban đầu là các triệu chứng của cúm A điển hình với các dấu hiệu đau đầu, đau mình mẩy; sốt cao trên 380C, có dấu hiệu viêm long đường hô hấp như chảy nước mũi, hắt hơi, người mệt mỏi, ăn ngủ kém, có thể có rối loạn tiêu hóa. Các dấu hiệu trên kéo dài 2-5 ngày nếu không có biến chứng hoặc bội nhiễm, bệnh nhân sẽ phục hồi sau một vài tuần. Nhưng nếu mắc cúm A/H5N1, ngoài các triệu chứng giống như bệnh cúm A điển hình kể trên, thì bệnh cúm A/H5N1 diễn biến rất nhanh, với các biểu hiện của viêm phổi rất nặng: ho khan, đau tức ngực, khó thở, tím tái, nghe phổi có ran. Khi thăm khám cận lâm sàng thấy các dấu hiệu X quang phổi có hình ảnh viêm phổi kẽ, không điển hình, với đám mờ lan tỏa nhanh. Bệnh thường tiến triển với mức độ rất nhanh dẫn tới suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, và có thể suy nhiều phủ tạng khác cùng lúc kèm theo, có rối loạn ý thức và dẫn tới tử vong.

Để phòng, chống cúm A/H5N1 lây sang người, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền, địa phương để kịp thời phòng, chống dịch lây lan;

2. Tuyệt đối không giết mổ và sử dụng thịt gia cầm nghi bị bệnh cúm;

3. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời;

4. Dùng Cloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.

Đồng thời cần thực hiện tăng cường sức khỏe cá nhân, tránh bị lây nhiễm như:

- Không nên tiếp xúc với gia cầm hoặc đi vào khu vực chăn nuôi gia cầm khi không cần thiết, nhất là trẻ em, người già và người có bệnh mãn tính;

- Đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với gia cầm và vệ sinh ngay sau khi xong việc.

- Không ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, thịt gia cầm, trứng gia cầm khi chưa nấu thật chín, không ăn tiết canh gia cầm;

- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối nhạt hay dung dịch sát khuẩn, tập thể dục và ăn uống đầy đủ để nâng cao sức khỏe.