Hôm nay là ngày trọng đại đối với con gái của mẹ: Ngày khai trường đầu tiên trong cuộc đời học sinh của con. Từ đây, con bắt đầu một hành trình mới, chính thức là “sinh viên lớp 1” như mọi người thường đùa con mỗi khi đến chơi nhà.
Cả đêm trước ngày khai giảng, con trằn trọc không ngủ, thỉnh thoảng lại nhỏm người dậy xem đồng hồ. Nằm bên con, mẹ cũng không ngủ được, cũng hồi hộp thấp thỏm cùng con.
Buổi sáng, con dậy thật sớm, háo hức tự chuẩn bị cho mình mọi thứ cần thiết. Suốt dọc đường đến trường, con líu lo hỏi mẹ đủ điều. Nhìn ánh mắt ngây thơ của con, mẹ thầm mong sao, con gái luôn giữ được vẻ ngây thơ, trong trẻo như vậy.
Nhưng bất giác, mẹ lại thấy thương con vô hạn. Mẹ thấy như có lỗi với con, vì có lẽ nếu so với anh trai của con, mẹ đã không có sự công bằng.
Khi anh con chuẩn bị vào lớp 1, bố mẹ đã lo lắng tham khảo khắp nơi và chợt giật mình, hầu hết trẻ con chuẩn bị vào lớp 1 đều được đi luyện chữ và học vần đâu đó. Bố mẹ phải cấp tốc gửi anh con vào một lớp luyện viết chữ đẹp. Chỉ sau 3 tháng hè, anh trai con đã đọc thông, viết thạo và đến trường đầy vẻ tự tin.
Chiến dịch cho anh con vào lớp 1 cũng là thử thách khá lớn đối với bố mẹ. Ông bà, bố mẹ đã phải dậy từ 2h sáng để đi “đặt gạch” xin cho anh con được vào trường thực nghiệm. Ông bà đã già, lại phải dậy sớm, ngồi chen chúc, nhếch nhác ở cổng trường học, làm mẹ rớt nước mắt. Nhưng ông bà thương cháu, nhất định phải ngồi để “xin số” cho bằng được.
Cuối cùng, sự vất vả của ông bà, bố mẹ cũng đã được đền đáp. Anh trai con cũng được vào học ở trường thực nghiệm. Vào được trường đã khó, nhưng cuộc đua học hành lại còn khốc liệt hơn gấp nhiều lần. Cả ngày học bán trú, tối về anh tiếp tục được học ôn thêm ở nhà cô về kiến thức nâng cao và học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ. Các ngày thứ 7, Chủ nhật, bố mẹ cho anh đi học thêm các lớp về rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy…
Anh con bị xoay như chiếc đèn cù, hầu như không còn thời giờ để nghỉ. Thậm chí, nhiều khi 6 giờ chiều mới đi học về đến nhà, cơm không kịp ăn mà chỉ ăn vội bánh mì để tiếp tục ca học thêm vào 7 giờ tối.
Thời gian đối với bố mẹ thực sự “quý hơn vàng”. Hai bố mẹ phải thường xuyên đổi ca ở cơ quan để thay nhau chở anh con đi học và đón con ở lớp học mẫu giáo.
Năm anh con lên lớp 4, mẹ tham khảo xung quanh thì được biết, có phụ huynh đã cho con mình học lò luyện từ cách đây một vài năm để lấy đà để thi vào cấp 2. Bởi nghe họ nói cũng có lý, giờ con nhà ai cũng học, con nhà mình không học thì chắc chắn sẽ không bao giờ vào được trường chuyên, lớp chọn. Mà cấp 2 lại khá quan trọng, là tiền đề để thi vào các trường chuyên, lớp chọn ở cấp 3. Nếu được như vậy, cửa vào đại học mới sáng sủa.
Mẹ lại cuống cuồng đi tìm lò luyện cho anh con. Nhiều lúc, nhìn anh con xoay như chong chóng, mẹ thương vô cùng. Nhưng nghĩ đến tương lai của các con, mẹ lại phải nén lòng...
Mấy hôm trước, khi chuẩn bị đồ cho con, bất giác mẹ nhìn thấy tấm bằng cử nhân của mẹ ở dưới đáy tủ. Đã bao năm nay, mẹ gần như lãng quên và tạm bằng lòng với công việc mình bấy lâu vẫn làm: Công nhân một công ty vệ sinh môi trường. Nhưng giờ nhìn thấy tấm bằng Đại học, tự nhiên bao ký ức ngày xưa lại trỗi dậy.
Cũng có một thời, mẹ cũng đầy hoài bão, ước mơ và đã học bằng mọi giá để thi vào Đại học. Khi đã đạt được ước mơ của mình và lúc ra trường, mẹ tràn trề hy vọng sẽ tìm được công việc phù hợp với tấm bằng cử nhân loại khá của mình. Mẹ đã chờ đợi 1 năm, 2 năm, 3 năm… và đến khi không còn đủ kiên nhẫn, mẹ đã cất tấm bằng vào đáy tủ và an phận với công việc đang làm.
Mân mê tấm bằng trên tay, mẹ chợt giật mình tự vấn, có phải mẹ vô tình đang bắt các con bước theo con đường mẹ đã vạch sẵn. Vô tình tạo áp lực và đánh cắp tuổi thơ của các con. Mẹ đang kỳ vọng quá mức con mình?...
Nhưng hôm nay, trên đường đưa con gái đến trường dự lễ khai giảng, nghe nhiều phụ huynh kháo chuyện con mình đọc thông, viết thạo, học hành giỏi giang, tự nhiên mẹ lại cảm thấy như người mắc lỗi: Lẽ nào mẹ đang làm việc không phải với con?
Nguồn VOV Online