Trước những băn khoăn về vấn đề học phí cũng như tình trạng lạm thu đang diễn ra ở những thành phố lớn đầu năm học, ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã làm việc với các tỉnh, bộ, ngành và thống nhất trình Thủ tướng, nhưng chưa đặt vấn đề tăng học phí trong điều kiện kinh tế như hiện nay.
Thực hành môn Hóa học tại trường THPT chuyên tỉnh Bắc Kạn. Ảnh Quý Trung - TTXVN.
Đưa ra giải pháp cho tình trạng lạm thu, ông Lê Khánh Tuấn cho biết, Bộ đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó quan tâm làm sao để đảm bảo đủ nguồn đầu tư ngân sách theo quy định của Thủ tướng, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chi thường xuyên để cải thiện nguồn chi tại nhà trường. Trước mắt thực hiện theo nguyên tắc 80% chi cho con người và 20% chi cho hoạt động, đúng như Quyết định 59 của Thủ tướng để giảm bớt khó khăn.
Trên nguyên tắc đó, Bộ đã ban hành nhiều văn bản cũng như triển khai các công việc với các tỉnh, thành phố và các trường, sở GD - ĐT để thực hiện tốt các quy định hiện hành về thu. Cụ thể như yêu cầu thực hiện tốt Thông tư 55 về Điều lệ Hội cha mẹ học sinh; thực hiện tốt 3 công khai theo Thông tư 09 về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT.
“Trong triển khai kế hoạch với 63 tỉnh, thành phố, Bộ đều yêu cầu các địa phương phải thực hiện các giải pháp theo phân cấp quản lý để bảo đảm kiểm soát chống lạm thu trong nhà trường. Bộ GD-ĐT đã đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra, thanh tra giám sát ngay từ đầu năm học để ngăn chặn lạm thu. Nếu nơi nào cố tình vi phạm đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý. Chúng tôi cũng đề xuất với lãnh đạo Bộ, ngay đầu năm học sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương, cùng với UBND các địa phương để giám sát việc này. Nếu phát hiện ra có vấn đề sẽ cùng với các địa phương xử lý”, ông Tuấn cho biết.
Bộ GD - ĐT cũng cho biết đang trong giai đoạn soạn thảo 2 văn bản: Hướng dẫn việc thu tự nguyện trong các nhà trường (hiện đang đến bước cuối cùng có thể ban hành thông tư này) và thông tư theo Nghị định 49 (quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015), cho phép những trường tổ chức dịch vụ, chương trình chất lượng cao được thu tương xứng, cũng là một cách để chống lạm thu.
Sẽ không còn điểm nóng thiếu giáo viên mầm non
Một trong những vấn đề đặt ra là việc thiếu giáo viên mầm non, đặc biệt trong phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, không như năm học trước, vào năm học này, không còn điểm nóng về thiếu giáo viên mầm non, tình trạng thiếu giáo viên mầm non như năm học trước không còn.
Đây là kết quả của việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ hàng loạt các biện pháp, đặc biệt là quyết tâm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Các nơi đã rải rác tuyển dụng, không phải một lần mà rất nhiều lần, tìm mọi nguồn, bằng nhiều kênh.
Đến nay, trong báo cáo sơ bộ phản ánh rõ, số lượng giáo viên thiếu chỉ còn là số trăm và chỉ còn rải rác một vài nơi, không còn mức độ thiếu như trước đây ở Thanh Hóa. Còn những nơi thiếu cục bộ sẽ được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Về tình hình nơi thừa nơi thiếu giáo viên, ông Hoàng Đức Minh thừa nhận có hiện tượng một số trường thừa giáo viên. Để giải quyết vấn đề này, các tỉnh hầu như đều có giải pháp chung là giãn số học sinh trong một lớp. Đây là dịp để có thể thực hiện tốt chất lượng, làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh cũng như thực hiện các kỹ thuật dạy học mới.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, cải thiện chất lượng giáo viên trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp. Đáng chú ý trong đó là ban hành quy chế về bồi dưỡng thường xuyên. Đây chính là công cụ rất quan trọng để đáp ứng được phát triển nghề nghiệp giáo viên và lấp khoảng trống những chỗ còn yếu về chất lượng. Ngoài ra còn có rất nhiều những hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng hệ thống sư phạm để đội ngũ giáo viên khi được đào tạo đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định, so với năm học trước, đầu năm học mới 2012 - 2013 có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ GD- ĐT đã xây dựng các văn bản để hướng dẫn chỉ đạo, trên cơ sở đó, các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa để triển khai trên địa bàn, đồng thời Bộ GD - ĐT cũng triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN