Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, Chính phủ đã đề ra những giải pháp trước mắt và lâu dài để diệt “giặc đói”, toàn dân tích cực tham gia các phong trào tương thân, tương ái cứu đói, đồng thời thi đua tăng gia sản xuất để giải quyết tận gốc đói nghèo. Chỉ sau 4 tháng kết hợp hài hòa giữa các giải pháp trước mắt với những chính sách nông nghiệp căn cơ, nạn đói đã cơ bản bị đẩy lùi và nền nông nghiệp nước nhà đã có nền tảng để phát triển lâu dài.
Hồ Chủ tịch thăm nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất (1954). Ảnh: TTXVN
Đó là câu chuyện diệt “giặc đói” của chính Việt Nam ta 67 năm về trước. Ngày nay, đất nước ta đã có nhiều đổi thay to lớn. Chúng ta không chỉ có độc lập, tự do mà còn được hưởng hòa bình, thống nhất và đang trên đà hội nhập quốc tế. Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách quốc gia nghèo. Từ một nước thiếu lương thực, chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam cũng đang khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến dài về kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng, chúng ta có thể tự hào rằng, giờ đây không một người Việt Nam có thể bị chết đói. Nhưng vẫn còn không ít người đang phải ngày ngày vất vả mưu sinh. Dẫu rằng “giặc đói” không còn, nhưng “giặc nghèo” vẫn đang hiện hữu.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều đường lối, chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên cả nước. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng chung tay giúp đỡ các địa phương nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các cuộc vận động. Vậy mà mỗi năm chúng ta cũng chỉ giảm được khoảng 2% hộ nghèo. Có thể đó là mức giảm ấn tượng so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Số hộ nghèo trên cả nước vẫn còn tới 12%, tương đương với 3 triệu hộ. Nếu giảm nghèo vẫn theo cách cũ và với tốc độ như vây, thì công cuộc xóa nghèo sẽ còn mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành.
Để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, thiết nghĩ có thể học và làm theo các sách lược của Bác chống lại “giặc đói” năm xưa. Trong công cuộc giảm nghèo hiện nay, chúng ta chưa phát huy cao nhất sức mạnh đoàn kết dân tộc, tình tương thân, tương ái rộng khắp trong toàn xã hội. Thêm vào đó, những chính sách hỗ trợ người nghèo lại thiếu tính đồng bộ, mang nặng hình thức, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để chính người nghèo tự thoát nghèo. Nhớ lại, để cấp bách đối phó với “giặc đói”, Bác đã khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tình thương đồng loại trong mọi tầng lớp xã hội, giúp đỡ lẫn nhau qua cơn hoạn nạn, đó là kế sách ngắn hạn. Cùng với đó, Bác kêu gọi Thi đua ái quốc, tập trung các nguồn lực cho tăng gia sản xuất nông nghiệp, đồng thời cùng Chính phủ đề ra những chính sách phù hợp, đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, giúp nông nghiệp phát triển lâu dài, đó là chiến lược dài hạn. Quay trở lại việc giảm nghèo của ta hiện nay, vấn đề quan trong nhất vẫn là làm thế nào để địa phương nghèo, đối tượng nghèo có thể có đủ năng lực, cơ hội tự thoát nghèo. Có lẽ, điều đó đòi hỏi phải có nhóm chính sách vĩ mô đúng đắn, đồng bộ, đi cùng với trách nhiệm, nỗ lực cao hơn của các cấp, các ngành, sự chung tay mạnh mẽ hơn của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Nguồn Báo Quân đội nhân dân điện tử