Đất nước Việt Nam ngày nay được toàn vẹn, thống nhất, nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành... Chúng ta có được quê hương, đất nước như ngày nay là có một phần công lao đóng góp của những người quên đi tình yêu, tình cảm, gia đình riêng tư của mình, không tiếc máu xương của mình để ngày đêm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc luôn toàn vẹn, hòa bình, thống nhất và trong số những người ấy đã trở thành thương binh, liệt sĩ.
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Tình cảm lớn lao của Bác tiêu biểu cho tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đối với các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và thương binh.
Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” ngày 27-7-1947, Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu.
Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy.
Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương.
Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.
... Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm sẻ áo của đồng bào, tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn…"
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và tất cả nhân dân làm một việc có ý nghĩa để kính trọng, nhớ ơn và chia sẻ phần nào những hy sinh mất mát to lớn của thương binh, gia đình liệt sĩ. Việc làm nên cụ thể như: thắp hương viếng liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, động viên giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sĩ nơi mình công tác, cư trú và những gia đình thương binh, liệt sĩ mình quen biết. Điều quan trọng hơn hết là dịp để tất cả đảng viên, cán bộ, công chức chúng ta suy ngẫm rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của mình hoàn thiện tốt hơn, đổi mới, sửa đổi lối làm việc của mình để trách nhiệm hơn, bổn phận hơn và phục vụ mọi người, phục vụ nhân dân tốt hơn, luôn rèn luyện mọi mặt sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc khi đất nước cần... Việc làm đó sẽ góp phần mang lại sự trường tồn và thịnh vượng của quê hương đất nước.
T.L