Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh viết: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra”(1).

Trong bài viết “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc”, Người xác định trí thức là “những người lao động trí óc”, “là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy...”(2). Và với Người, trí thức là lực lượng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, là “vốn liếng quý báu của dân tộc”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí thức nước nhà

Trước 1945, trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, trí thức Việt Nam đã đi tiên phong tham gia cách mạng, là lực lượng đi đầu trong việc tiếp thu tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tích cực truyền bá trong quần chúng nhân dân và hăng hái tham gia vào các tổ chức cách mạng - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói về lực lượng này, Hồ Chí Minh cho rằng: Trí thức Việt Nam là lực lượng rất nhạy bén với cái mới, với những tư tưởng tiến bộ, “có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng” (4), “có học thức, dễ có cảm giác chính trị,... dễ tiếp thụ sự giáo dục cách mạng và cùng đi với công nông”(5).

Trí thức Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong cách mạng, nên khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trước yêu cầu phải có một đường lối chính trị rõ ràng, phải phân định rõ chiến tuyến giữa cách mạng và phản cách mạng, Hồ Chí Minh đã xếp trí thức vào hàng ngũ lực lượng cách mạng của dân tộc, là một trong những đồng minh gần gũi của giai cấp công nhân và nông dân. Người chỉ rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, thanh niên, Tân Việt,... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”(6). Việc xác định từ sớm vai trò, vị trí của trí thức trong cách mạng của Hồ Chí Minh đã lôi cuốn tầng lớp trí thức về phía cách mạng từ những ngày đầu tiên, đã tăng cường sức mạnh cho cuộc cách mạng. Đây là vấn đề mang tính chất chiến lược trong cách mạng.

 

Cuộc cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta tiến hành là một cuộc cách mạng vô cùng khó khăn, gian khổ với những nhiệm vụ rất lớn lao. Đó là đánh đuổi đế quốc thực dân, phong kiến, đòi lại tự do, độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày... Hồ Chí Minh xác định: "Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến lên chủ nghĩa xã hội"(7). Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trí thức phải tuyên truyền, giáo dục quần chúng những tư tưởng cách mạng, là ngòi nổ cho các phong trào cách mạng, đấu tranh chống lại những luận điệu phản động, mị dân của kẻ thù.

Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trí thức phải đi đầu trong việc nâng cao dân trí, xây dựng và kiến thiết nước nhà. Người khẳng định: “Trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”(8). Theo Người: “muốn phát triển văn hoá thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khoẻ của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ thì phải cần các kỹ sư”(9). Thực tiễn đã chứng minh, trong mọi lĩnh vực, mọi thời kỳ cách mạng đều rất cần đến học vấn, tài năng và tâm huyết, sức lực của giới trí thức; đội ngũ trí thức đồng hành cùng dân tộc tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; và trong suốt quá trình cách mạng “Trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”(10).

Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của trí thức trong sự phát triển của xã hội, hiểu rõ sức mạnh vô tận của trí tuệ con người và sức mạnh lớn lao của một dân tộc giàu tri thức, Hồ Chí Minh khẳng định: trí thức là lực lượng luôn đi đầu, là ngòi nổ trong phong trào đấu tranh đòi độc lập, đòi quyền dân tộc, dân chủ; là lớp “tiên tri, tiên giác”(11) (hiểu biết trước, giác ngộ trước); là “Một phần tương lai của dân tộc”(12). Chính vì vậy, năm 1946, khi trả lời câu hỏi của một nhà báo nước ngoài về vấn đề trí thức, Người nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(13). Trên thực tế, trong suốt mấy chục năm trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã có thái độ, cách cư xử, chính sách hết sức trân trọng và đề cao trí thức. Câu trả lời trên chính là sự phản ánh cô đọng suy nghĩ của Người, thể hiện sự trân trọng của Người đối với đội ngũ trí thức của dân tộc.

Với những quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh và những chính sách sát thực của Đảng đối với trí thức mà trong các giai đoạn lịch sử, chúng ta đã đoàn kết được trí thức và xây dựng được đội ngũ trí thức mới xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, làm sao để phát huy và sử dụng vốn liếng quý báu này của đất nước có hiệu quả vẫn đang là vấn đề lớn đặt ra. Đảng và Nhà nước phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết vấn đề trí thức. Những quan điểm chủ trương của Đảng phải được Nhà nước thể chế hóa kịp thời. Việc quy hoạch, đào tạo đội ngũ trí thức phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn, trên cơ sở đó bố trí đúng người, đúng việc để phát huy tốt năng lực của lực lượng này. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng phải gắn liền với việc đổi mới quản lý của Nhà nước đối với công tác trí thức, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của tầng lớp trí thức, tin dùng họ trong công việc, tạo các điều kiện để họ tham gia hoạt động sáng tạo, đóng góp thật nhiều cho đất nước.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức vào việc xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, giỏi về chuyên môn, giàu về năng lực, hiểu biết sâu sắc trên từng lĩnh vực, có bản lĩnh và sẵn sàng thích ứng với mọi biến động trong nước và thế giới, nối tiếp truyền thống hào hùng của trí thức Việt Nam, đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước, xây dựng xã hội: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

------------

(1), (3), (11), (13) HCM Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.235, 156, 131, 156. (2), (7) Sách đã dẫn (Sđd), tập 6, tr.202, 203. (4), (5), (8), (9), (10) Sđd, tập 7, tr.34, 214, 39, 32-33, 36. (6) Sđd, tập3, tr.3. (12) Sđd, tập 4, tr.220.

Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng