Cùng với những kết quả tích cực nâng cao được nhận thức và hành động của nhiều cấp ủy, lãnh đạo cơ quan chính quyền đoàn thể các cấp, các ngành, Bộ phận giúp việc Ban Bí thư về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Bộ phận giúp việc) đã làm rõ những hạn chế trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ (Chỉ thị 03). Thứ nhất là trong tổ chức thực hiện, nhiều việc còn lúng túng, nhất là trong các hoạt động cụ thể ở địa phương và cơ sở. Thứ hai là việc triển khai Chỉ thị nhìn chung chưa tạo được sự hồ hởi, phấn khởi, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia. Nguyên nhân chính là cấp ủy các cấp và người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn chưa thật sự nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị 03 đối với công tác xây dựng Đảng trong điều kiện hiện nay. Ở một số nơi, việc học tập và làm theo gương Bác mới chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính hình thức.
Bổ khuyết vấn đề này, nhiều ý kiến đều cho rằng, trước hết phải làm nổi bật vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị 03. Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Trương Thị Thông cho rằng, ý thức làm gương trong công việc, lối sống của đảng viên còn ít chuyển biến, nhiều người vẫn ngại tự nêu gương. Thực tế này cần phải được thay đổi, trước hết là qua báo chí, đồng thời bản thân cán bộ, đảng viên phải có ý thức tạo ảnh hưởng tích cực đối với quần chúng. "Trong thực tế đời sống, có rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên tốt (thậm chí, có người được người dân tôn thờ vì có công khai sinh nghề, hoặc công đức lớn), không gì ngăn cản việc nêu gương rộng rãi để mọi người cùng biết, học theo" - Phó Giám đốc Trương Thị Thông chia sẻ.
Vai trò của cán bộ, đảng viên cần phải được thể hiện rõ trong giữ gìn đoàn kết nội bộ. Trước hết, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm ngay đến việc xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống để áp dụng cho các thành viên.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an Lê Ngọc Nam cho biết: Nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn rất lúng túng và hình thức trong việc này. Đây là việc làm cụ thể để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đặc điểm của từng cơ quan, tổ chức. Ngành công an có việc làm cụ thể là tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ ký cam kết giữ tác phong, thái độ đúng mực với dân, đã tạo nên những chuyển biến tích cực dù mới chỉ là bước đầu. Chủ tịch Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng thì bày tỏ ủng hộ việc ngành thanh tra nhà nước làm "Sổ tay học tập đạo đức Hồ Chí Minh" cho cán bộ, đảng viên; và cho rằng, các cơ quan, đơn vị nên học tập cách này.
Mặt khác, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ cần phải tập trung nhiều hơn vào "mặt chống". Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ Trần Hồng Hà cho rằng: Hiện nay "mặt xây" đã được làm khá tốt, nhưng "mặt chống" còn quá yếu. Ở đây, cụ thể là việc chống tiêu cực còn quá chậm, lại không nghiêm túc, trong khi số lượng các vụ tiêu cực trong xã hội đang ngày càng nhiều hơn; đồng thời đề nghị, trong báo cáo thực hiện Chỉ thị 03 nên đưa vấn đề gia tăng bức xúc xã hội để có biện pháp tăng cường vai trò và trách nhiệm của cấp ủy các cấp. Nếu cấp ủy các cấp đồng loạt tăng cường giải quyết những bức xúc xã hội xảy ra trong phạm vi theo dõi, quản lý thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ rất thiết thực.
Bộ phận giúp việc thống nhất cho rằng, phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh với việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và cần đưa ngay nội dung này vào sinh hoạt chi bộ, nâng cao tính chiến đấu, dân chủ, tăng cường phê bình và tự phê bình. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng, Trưởng Bộ phận giúp việc cho rằng, cần tổ chức một cuộc điều tra dư luận xã hội về thực hiện Chỉ thị 03. Đây là cơ sở đánh giá chính xác về cuộc vận động để có được những thay đổi, cải tiến vừa đúng, vừa trúng, đem lại hiệu quả thiết thực.
Nguồn Báo Hànộimới