Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là “Quy luật phát triển của Đảng”. Người chỉ rõ: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí”.
“Cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”. “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khỏe vô cùng”(1).
Người yêu cầu, “cán bộ cao cấp phải xung phong gương mẫu trong tự phê bình và phê bình”. Theo Người: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình” (2).
“Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Khi đã mắc sai lầm rồi muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất yếu của chủ nghĩa cá nhân” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói, mà bản thân Người luôn luôn gương mẫu làm trước, thể hiện sự nhất quán giữa nói và làm.
Chỉ mới 5 tháng sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người đã viết bài “Tự phê bình” đăng trên báo Cứu quốc số 153 ngày 28-1-1946 nêu lên nhiều việc quan trọng chưa làm được như: Trong nước thì miền Nam bị nạn xâm lăng, tệ tham nhũng chưa quét sạch, chính trị chưa vào nền nếp, nền độc lập của nước ta chưa được các nước công nhận… Kết luận bài báo này, Người viết: “… những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi” (4).
Giữa năm 1950, một số cán bộ địa phương thuộc Liên khu IV cũ, đã làm sai đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, gây ra những oan ức cho một bộ phận nhân dân, để lại những hậu quả thật nghiêm trọng. Trong thư gửi đồng bào Liên khu IV, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự phê bình: “…Tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào, vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo” (5). Người không chỉ tự phê bình về công việc của mình mà còn nhận trách nhiệm về mình trước những sai lầm của cán bộ dưới quyền.
Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình phải nói đến thái độ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) thảo luận về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự phê bình rất nghiêm túc là “đã quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”. Người nhấn mạnh: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế nào. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta” (6). Về phương hướng sửa chữa, Người dạy: “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, đều phải chống các bệnh sùng bái cá nhân và quan liêu mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thật sự dân chủ” (7). Sau đó, Người đã thay mặt Đảng và Chính phủ tự phê bình và nhận lỗi trước Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã vô cùng cảm kích trước bài học tự phê bình vô giá của lãnh tụ vô vàn kính yêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là tấm gương sáng ngời về tự phê bình và phê bình. Bao thế hệ cán bộ cách mạng, đảng viên cộng sản của ta quyết tâm noi gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, góp phần đưa cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đi đến thắng lợi.
Trần Đức Lực
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập – NXB Chính trị quốc gia – 1995, t5, tr 239
(2)(3)(4)(5)(6)(7)- tr 578; tr 290; tr 166; tr 65; tr 341 – Sđd.