1. Gia tăng bệnh tuyến giáp
Bệnh tiểu đường thường tạo ra các phản ứng miễn dịch gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tuyến giáp, phát sinh bệnh cường giáp và suy giáp. Tuyến giáp làm sai chức năng phát sinh ra nhiều hậu quả tiêu cực như suy yếu cơ bắp, gây sưng cổ, ra mồ hôi, mệt mỏi, nhạy cảm với nóng, lạnh, giảm thính lực, tăng cân, phàm ăn và mất ngủ ...
2. Bệnh về bụng
Bệnh tiểu đường thường là nguyên nhân làm cho ruột phản ứng với protein có trong thức ăn, dẫn đến mắc bệnh về đường ruột, đặc biệt là tiêu chảy. Nếu xuất hiện căn bệnh này thì nên tư vấn chuyên môn, thay đổi thực đơn. Tiêu chảy ở nhóm người cao niên gây ra nhiều nỗi cơ cực cho cơ thể, gây mệt mỏi và mất nước nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
3. Tăng mỡ máu
Những người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường thường có hai chỉ số liên quan đến mỡ máu tăng là cholesterol và tryglyceride. Đây chính là thủ phạm làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Do mỡ máu cao nên làm cho động mạch tắc nghẽn, dễ gây ra các biến chứng viêm nhiễm, bệnh về chân.
4. Bệnh về mắt
Một trong những rủi ro bất lợi do bệnh tiểu đường gây ra là các chứng bệnh về mắt như đục thuỷ tinh thể, glocôm và bệnh võng mạc. Do mắc bệnh tiểu đường nên thấu kính của mắt càng ngày càng dày và vẩn đục, gọi là bệnh đục thuỷ tinh thể. Khi các mạch máu trong võng mạc bị tổn thương, phát sinh bệnh võng mạc tiểu đường, còn bệnh glocôm là do áp lực trong mắt tăng cao, làm cho nguồn máu dẫn đến võng mạc và dây thần kinh bị gián đoạn. Cả ba căn bệnh này đều được xem là nguy hiểm, rất dễ gây tổn thương mắt và gây mù vĩnh viễn.
5. Bệnh thận
Do hàm lượng đường huyết tăng liên tục nên các động mạch trong thận bị tổn thương dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thận vì tiểu đường (Diabetic nephrophethy), gọi tắt là DN. Những người có thói quen hút thuốc lá hoặc cao huyết áp thì tình thế lại càng xấu hơn. Ở giai đoạn đầu, bệnh DN ít có dấu hiệu lộ mặt, nhưng thực tế nó đang ngấm ngầm phá hoại thận.
6. Tổn thương thần kinh
Tiểu đường gây tổn thương hệ thần kinh được chuyên môn gọi là bệnh thần kinh tiểu đường. Dấu hiệu dễ nhận biết khi mới mắc bệnh là tê chân, đau cứng hay mất cảm giác ở các chi chân tay. Không được điều trị kịp thời có thể cản trở các chức năng khác của cơ thể.
7. Bệnh răng lợi
Người mắc bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng răng lợi, nguyên do máu lưu thông đến lợi bị suy giảm, làm cho người bệnh bị tổn thất collagen nghiêm trọng, dễ bị sâu răng do lượng đường trong máu cao và liên tục bị khô miệng, thiếu nước bọt nên vi trùng tích tụ nhiều trong miệng, hốc chân răng và chờ thời cơ để sinh sôi nảy nở. Vì lý do này, người mắc bệnh tiểu đường nên vệ sinh răng lợi thường xuyên, khám răng lợi định kỳ.
8. Biến chứng ở chân
Người đái tháo đường rất dễ mắc biến chứng ở chân do thần kinh bị tổn thương, máu đưa xuống chân bị ức chế. Những dấu hiệu thường thấy về biến chứng ở người tiểu đường như khô da, nứt nẻ, chai chân, lở loét, sưng phù và điều trị không khỏi.... Nếu có thói quen hút thuốc, lạm dụng chất kích thích thì rủi ro mắc các biến chứng này càng cao.
*Nguyên tắc phòng ngừa
Do tiểu đường là căn bệnh bệnh mãn tính, không thể khỏi hẳn nên người bệnh phải sống chung. Muốn giảm thiểu biến chứng, người bệnh phải an tâm, kiên trì điều trị phù hợp với điều kiện của bản thân. Theo dõi và kiểm soát đường huyết ở ngưỡng tối ưu nhất thông qua chế độ ăn uống cân bằng và khoa học, duy trì cuộc sống vận động, năng tập luyện để đảm bảo trọng lượng cơ thể hợp lý nhất. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để tầm soát và phát hiện sớm những biến chứng, giữ vệ sinh và chăm sóc bàn chân tốt. Tuyệt đối không được hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng các chất kích thích.
Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam