Ngày 14 đến ngày 16 tháng 10 sắp tới đây, tại tỉnh Ninh Thuận sẽ diễn ra Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận năm 2012 với chủ đề “ Văn hóa Chăm – bảo tồn, phát huy và hội nhập”
Ninh Thuận là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì thế, văn hóa Chăm ở đây khá đậm chất được thể hiện qua chữ viết, trang phục, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm. Với nền văn hóa Chăm đặc sắc, đa dạng, các làng nghề truyền thống, Ninh Thuận có đầy đủ điều kiện để khai thác các tiềm năng này, phát triển du lịch.
Điệu múa dân tộc Chăm
Trong cuộc họp báo mới được tổ chức gần đây nhằm quảng bá cho Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm năm 2012. Ông Phan Quốc Anh – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: nhiều năm qua Ninh Thuận đặc biệt chú trọng bảo tồn văn hóa Chăm ở 2 hình thái là vật thể và phi vật thể. Ninh Thuận hiện có quần thể kiến trúc mang nét riêng độc đáo được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV, trong đó có 3 cụm tháp nổi tiếng là Tháp Pôklong Garai, Po Rome và Hòa Lai, hầu như còn nguyên vẹn. Các cụm tháp này đều đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia và được trùng tu, tôn tạo từ những năm 1990 - 1991. Sau khi trùng tu, những nơi này trở thành điểm đến của nhiều du khách. Hiện nay tỉnh Ninh Thuân vẫn đang tiếp tục trùng tu nhiều tượng đài, tháp cổ, nhà truyền thống bốn mái hoàn toàn bằng đất; xây dựng thêm các địa điểm hành lễ dưới chân tháp nhằm phát triển thêm ngành du lịch tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh còn phối hợp với các tỉnh, thành phố ở miền Trung có di sản văn hóa Chăm như Bình Định, Nha Trang..., xây dựng các chương trình du lịch về thăm làng Chăm, tham gia các lễ hội theo mùa...; kết hợp du lịch văn hóa Chăm với các loại hình du lịch khác nhằm đưa du lịch văn hóa Chăm trở thành một mắt xích quan trọng trong các sản phẩm du lịch ở Ninh Thuận.
Tháp Pôklong Garai
Văn hóa Chăm còn thể hiện sự độc đáo và đặc sắc ở chỗ cho đến nay người Chăm vẫn giữ các nghi lễ như: lễ Katê, lễ Rija Nưgar, lễ Rija Praung, lễ khai mương, lễ xuống gặt, lễ mừng cơm mới... Không gian văn hóa Chăm có sức lôi cuốn đặc biệt, từ phong tục tập quán theo chế độ mẫu hệ, đến những nghi lễ, tín ngưỡng cùng nhiều nghệ thuật dân gian truyền thống khác. Không chỉ có vậy đến Ninh Thuận, khách du lịch còn có thể được thưởng thức nghệ thuật dân ca và múa Chăm, loại hình nghệ thuật độc đáo của người Chăm mà nay đã trở thành di sản văn hóa của Việt Nam.
Văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận cũng vô cùng phong phú, có hơn 100 lễ hội diễn ra quanh năm và vẫn đang được bảo tồn nhờ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cư dân bản địa. Bên cạnh đó, theo thống kê có khoảng 17.000 bài viết, đầu sách nghiên cứu về văn hóa Chăm ở các lĩnh vực như nhân học, sử học, diễn xướng dân gian, các lễ hội... đã được sưu tầm, nghiên cứu.
Không chỉ những năm gần đây mà đã từ nhiều năm qua tỉnh Ninh Thuận luôn ý thức việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Tỉnh luôn chú trọng đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm; đồng thời đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống của bà con dân tộc Chăm, trong đó có khai thác du lịch từ chính những nét cổ truyền của văn hóa dân tộc Chăm
Trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh đã có chủ trương bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp khai thác tiềm năng du lịch làng nghề bên cạnh việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trong đề án đã được phê duyệt này, Tỉnh Ninh Thuận đã đưa làng gốm mỹ nghệ Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp vào điểm du lịch làng nghề của Tỉnh. Hiện làng nghề Bàu Trúc cùng nghệ thuật làm gốm của người Chăm đang được làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Nghề gốm và dệt thổ cẩm
Nhận biết được các thế mạnh từ tiềm năng sẵn có, Ninh Thuận đã xây dựng nhiều chương trình du lịch gắn liền với không gian văn hóa Chăm, trong đó có loại hình du lịch homestay. Khách cùng ăn, ở, sinh hoạt với người địa phương, đắm mình trong các chương trình ca múa dân gian, nhạc kịch truyền thống lâu đời của người Chăm, trải nghiệm cách dệt thổ cẩm (Mỹ Nghiệp) và làm gốm (Bàu Trúc) bằng phương pháp thủ công... Loại hình du lịch này được khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài yêu thích. Điều đáng khen nhất của tỉnh Ninh Thuận trong việc phát triển du lịch là tỉnh đã xác định sự đón tiếp niềm nở, thái độ hiếu khách, phục vụ tận tình của người địa phương sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách tham quan, chính vì thế Ninh Thuận đang xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, bảo tồn, hướng dẫn viên có chuyên môn sâu và đam mê văn hóa Chăm, thông thạo ngoại ngữ. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh nghiên cứu cung và cầu du lịch đối với văn hóa Chăm, nhằm tạo ra các sản phẩm độc đáo, đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ Ka-tê trên Tháp Pôklong Garai
Làng gốm Bàu Trúc tại Ninh Thuận
Khách du lịch thăm quan làng gốm
Chính vì vậy, đến Ninh Thuận ngày hôm nay khách du lịch không những có thể khám phá, tìm hiểu về văn hóa đồng bào dân tộc Chăm, tham quan di tích tháp Chăm nổi tiếng hay đến mục sở thị cuộc sống sinh hoạt tại các làng nghề mà sẽ ngạc nhiên vì sự thay đổi tích cực trong công tác quản lý du lịch của tinh.
Nguồn Cinet.vn