Trước đó, Bộ Tài chính đã nhận được phương án đăng ký tăng giá bán lẻ xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, với mức tăng được đề xuất từ 1.100 đồng - 1.200 đồng/lít với xăng và 700 - 800 đồng/lít/kg dầu các loại.
Theo tính toán của doanh nghiệp, giá bán lẻ mặt hàng xăng đang thấp hơn giá cơ sở 1.100 đồng/lít xăng, dầu thấp hơn 700 đồng/lít. Còn nếu tính bình quân 10 ngày gần đây thì xăng lỗ hơn 2.000 đồng/lít, dầu lỗ khoảng 1.500 đồng/lít.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 28/8, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích, giá xăng, dầu trên thịt trường thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 29/7 - 27/8) tiếp tục tăng so với bình quân 30 ngày trước đó, trong đó mặt hàng xăng tăng 13,24%, mặt hàng dầu diesel 0,05 tăng 8,66%, dầu hỏa tăng 9,59%, dầu mazut tăng 8,01%. Do đó, Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng Quỹ bình ổn giá với 500 đồng/lít xăng, các loại dầu (diesel, dầu hỏa, dầu mazut) 300 đồng/lít. Bộ Tài chính cũng đưa ra việc nguyên tắc tính toán và mức sử dụng Quỹ bình ổn giá, đưa ra mức các doanh nghiệp có thể điều chỉnh.
Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá đã đăng ký theo nội dung văn bản của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu đã ban hành trước đó, phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP tự chịu trách nhiệm về quyết định giá và kết quả kinh doanh.
Trước một số ý kiến lo ngại và cho rằng cần phải giảm thuế, thay vì để giá xăng dầu tăng liên tục sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng việc điều chỉnh giảm thuế còn phải căn cứ vào tình hình thu chi ngân sách. Trong thời gian tới nếu thị trường thế giới tiếp tục biến động tăng, liên Bộ Tài chính- Công Thương sẽ tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp đề điều hành, phù hợp lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp mà không để cho doanh nghiệp hoàn toàn định giá.
Nguồn www.chinhphu.vn