Ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

(NTO) Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng loạt các các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tỉnh giảm lãi suất vay vốn, gần đây nhất là giảm lãi suất các hợp đồng nợ cũ xuống 15%/năm là động thái tích cực chia sẻ với DN để phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh, vượt qua thời điểm khó khăn trong hình tình kinh tế suy giảm.

Nỗ lực giảm lãi suất vay

Từ đầu năm đến nay, cùng với việc hạ lãi suất huy động vốn, các NHTM trong tỉnh đã nhiều lần giảm lãi suất vay cho các DN, trong đó ưu tiên 4 lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa. Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong 7 tháng đầu năm, các NHTM trong tỉnh đã giải quyết vay vốn cho 29.436 hồ sơ, chiếm 99,93% trên tổng số hồ sơ đề nghị cho vay vốn; trong đó khách hàng là DN, hộ sản xuất là 27.380 hồ sơ.

 
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận.
Ảnh: Duy Anh

Tổng doanh số cho vay 7.412 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 53,6% kế hoạch năm, trong đó phục vụ sản xuất, kinh doanh là 5.684 tỷ đồng, chiếm gần 91%. Từ những số liệu nêu trên cho thấy mặc dù trong tình hình kinh tế khó khăn chung, nhưng các tổ chức NHTM trong tỉnh vẫn nỗ lực thực hiện các giải pháp lưu thông tiền tệ, tạo điều kiện cho các DN, hộ sản xuất tiếp cận vốn nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất vay vốn được các tổ chức tín dụng vào cuộc rất tích cực trên tinh thần đồng cảm chia sẻ khó khăn với DN. Tại thời điểm cuối tháng 4-2012, tổng dư nợ cho vay các NHTM trên địa bàn là 4.902 tỷ đồng, trong đó dư nợ lãi suất từ 15% trở xuống chỉ chiếm 4,02%, dư nợ lãi suất 15% trở lên chiếm 95,98%. Đến cuối tháng 7-2012 (tức sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 13) tổng dư nợ cho vay các NHTM trên địa bàn là 5.019 tỷ đồng, trong đó dư nợ lãi suất từ 15% trở xuống chiếm 77,2%, dư nợ lãi suất trên 15% chỉ còn 22,8%. Lãi suất cho vay vốn ngắn hạn của các tổ chức tín dụng trong tỉnh tại thời điểm này là 13%, có ngân hàng thương mại mức lãi suất cho vay thấp chỉ 11-12%.

Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển là một trong những đơn vị đi đầu trong giảm lãi suất vay vốn cho DN. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giảm 6 lần lãi suất, mức giảm so với đầu năm là 4%. Lãi suất cho vay ưu đãi đối với DN thuộc 4 nhóm ưu tiên đang áp dụng từ 11-11,5%/năm, các DN khác là 11,7%/năm. Ngân hàng đã cho 1517 DN và khách hàng khác thuộc 4 nhóm ưu tiên vay với tổng số vốn gần 950 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tấn Viện, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển tỉnh cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, trên cơ sở rà soát, đánh giá mức độ khó khăn và khả năng trả nợ của DN, đơn vị đã thực hiện 6 giải pháp hỗ trợ các DN gặp khó khăn tạm thời mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thì được đơn vị xem xét giảm lãi suất cho vay tới mức thấp nhất.”

 
Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Ninh Thuận giải quyết nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Ảnh: Văn Miên

Ngân hàng vào cuộc

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 15-7, các khoản vốn vay cũ giảm lãi suất tối đa xuống 15%/năm. Đây thực sự là tin vui đối với các DN trong tỉnh, bởi trong thời gian qua một trong những những nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh kém hiệu quả của DN, một phần do gánh nặng lãi suất ngân hàng quá cao. Ông Vũ Hữu Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận cho biết: “Các DN, nhất là DN kinh doanh trong lĩnh vực XDCB và sản xuất vật liệu xây dựng trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Ở đơn vị chúng tôi hiện hàng vật liệu xây dựng còn tồn kho khá lớn do không tiêu thụ được. Vì vậy được ngân hàng giảm lãi suất hợp đồng vay cũ xuống 15%/năm, công ty sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính để tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.”.

Tính đến cuối tháng 7, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất vay đối với hợp đồng đã giải ngân xuống 15%/năm 1.392 tỷ đồng. Giảm lãi suất vốn vay cũ đồng nghĩa với giảm lợi nhuận, tuy vậy ở tỉnh ta các ngân hàng thương mại đã nhập cuộc để cùng chia sẻ khó khăn với DN. Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển đã điều chỉnh 82,4% các khoản vay cũ (bao gồm cả ngắn hạn, trung và dài hạn) với tổng dư nợ 320 tỷ đồng có lãi suất cao hơn 15% về mức 15%, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho vay đối với các DN. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh lãi suất đối với các khoản vay cũ theo mặt bằng lãi suất mới, nhất là đối với 4 lĩnh vực ưu tiên. Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã giảm tất cả các khoản vốn vay về lãi suất bằng hoặc thấp hơn 15%/năm, với tổng dư nợ 1.800 tỷ đồng, chiếm 81,2% tổng dư nợ. Ông Hồ Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh tỉnh cho biết: “Do việc giảm lãi suất các hợp đồng vay vốn cũ xuống 15%/năm, ngân hàng chúng tôi giảm doanh thu khoảng 15 tỷ đồng”.

Không chỉ có giảm lãi suất vay cũ xuống 15%, nhiều ngân hàng đã gỡ khó cho DN bằng việc thực hiện cơ cấu lại tài chính đối với các DN. Đối với DN đã sử dụng vốn ngắn hạn vào mục đích trung, dài hạn được xem xét cho vay trung hạn, dài hạn bù đắp cơ cấu khoản vay ngắn hạn để DN cơ cấu lại dòng tiền, tái cơ cấu tài chính, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn. Một số ngân hàng nới lỏng đối tượng cho vay vốn để kinh doanh đối với các DN thuộc lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, hầu hết các khoản vay cũ của DN đều đã được các NHTM giảm lãi suất xuống 15%/năm. Từ nay đến cuối năm cùng với việc đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát các hợp đồng vốn vay cũ để điều chỉnh hạ lãi suất xuống bằng hoặc thấp hơn 15%.”. Ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất vay rất quyết liệt và nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế khá dồi dào, vấn đề còn lại là các DN phải tự thân vận động trên cơ sở tái cấu trúc DN, chuyển hướng kinh doanh phù hợp với thị trường, tiết giảm các chi phí sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa để vượt qua thời điểm khó khăn này.