Hội nghị Ngoại trưởng các nước Phong trào Không liên kết tại Iran tháng 7/2008.
(Ảnh: Getty Images)
Không liên kết - một tập hợp lực lượng đặc biệt ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc
Phong trào Không liên kết là một xu hướng mới, một tập hợp lực lượng đặc biệt ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc và trong bối cảnh Chiến tranh lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Thắng lợi của lực lượng chống phát xít, đặc biệt là thắng lợi của Liên Xô đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít, mở ra một thời kỳ mới của nhân loại với sự hình thành hệ thống chủ nghĩa xã hội và phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, đặc biệt ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Các nước độc lập non trẻ có sự đa dạng về văn hoá tín ngưỡng, chế độ chính trị - xã hội và lợi ích dân tộc, nhưng có chung đặc điểm đều đã bị thực dân đô hộ và có nền kinh tế kém phát triển. Trong bối cảnh đó, để tránh bị cuốn hút vào cuộc chạy đua vũ trang, rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, các nước này có nhu cầu chung trong việc đoàn kết trong một tập hợp lực lượng rộng rãi giúp nhau giữ gìn độc lập, từng bước giành độc lập kinh tế, bảo vệ hoà bình thế giới để tồn tại và phát triển.
Xu hướng không liên kết bắt đầu từ nhóm nước châu Á mà đại biểu là Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru. Năm 1946, Nê-ru tuyên bố Ấn Độ cùng các nước độc lập châu Á sẽ đi theo đường lối không dính líu, chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, không nhường quyền phán quyết về vấn đề quốc tế cho bất cứ ai. Tháng 3/1947 và 1/1949, Thủ tướng Nê-ru đã triệu tập hai Hội nghị châu Á tại Niu Đê-li thúc đẩy chính sách này. Tháng 4/1954, Thủ tướng 5 nước Ấn Độ, Miến Điện, In-đô-nê-xi-a, Pa-ki-xtan và Xri Lan-ca họp tại Cô-lôm-bô và quyết định triệu tập một Hội nghị các quốc gia độc lập Châu Á và Châu Phi trong năm 1955. Sau đó 5 nước lại gặp nhau tại Bô-go (12/1954) và quyết định Hội nghị Á-Phi sẽ họp tại thành phố Băng-đung của In-đô-nê-xi-a từ 18 đến 24/4/1955. Trong giai đoạn chuẩn bị, đã diễn ra một loạt cuộc tiếp xúc ngoại giao quan trọng của Thủ tướng Nê-ru với Tổng thống Na-xơ (Ai Cập), Tổng thống Ti-tô (Nam Tư), đặc biệt với Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc) và trên cơ sở đó, Ấn Độ và Trung Quốc ra Thông cáo chung nêu lên 5 nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước có chế độ chính trị – xã hội khác nhau, về sau được gọi là 5 nguyên tắc chung sống hoà bình (Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; Cùng tồn tại hoà bình). Hội nghị Băng-đung 1955 được tổ chức tại In-đô-nê-xi-a với sự tham gia của 29 nước Á-Phi, trong đó có 23 nước Châu Á và 6 nước Châu Phi. Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Hội nghị đã thông qua 10 nguyên tắc Bangdung lịch sử, khẳng định nguyện vọng đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân, đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, chung sống hoà bình giữa các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau.
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc đầu những năm 1960, các Tổng thống Ai Cập, Nam Tư, In-đô-nê-xi-a năm 1961 đã gửi thư chung cho nguyên thủ 21 nước đề nghị tổ chức một hội nghị các nước Không liên kết. Và để chuẩn bị, Hội nghị trù bị Cai-rô (6/1961) đã soạn thảo 5 tiêu chuẩn thành viên của Phong trào Không liên kết bàn về vai trò và chính sách của Phong trào trong tương lai, trong đó có việc khẳng định sự trung thành đối với chính sách “không cam kết” như là một biện pháp xử lý tích cực các vấn đề mà thế giới đang gặp phải (về từ ngữ, cụm từ “không liên kết” chỉ được sử dụng chính thức từ Hội nghị cấp cao Cai-rô 1964). Ngày 1/9/1961, Hội nghị các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước Không liên kết tại Ben-gờ-rát (Nam Tư) với 25 nước thành viên đã chính thức khai sinh ra Phong trào Không liên kết.
Phong trào Không liên kết phấn đấu cho hoà bình, độc lập dân tộc và phát triển
Nhìn lại lịch sử gần 50 năm qua, có thể thấy Phong trào đã kiên định các mục tiêu cơ bản của mình phấn đấu cho hoà bình, độc lập dân tộc và phát triển; có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề trọng đại của thế giới. Nhưng chặng đường phát triển của Phong trào không phải lúc nào cũng bằng phẳng và luôn có cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng chính: một bên là khuynh hướng tăng cường đoàn kết nội bộ, mở rộng hợp tác với các lực lượng hoà bình và dân chủ, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề cơ bản của thời đại và một bên là một số xu hướng do dự, cơ hội, chịu tác động của các thế lực bên ngoài muốn lôi kéo, lái Phong trào đi chệch mục tiêu cơ bản, làm suy yếu Phong trào.
Trong Chiến tranh lạnh, Phong trào Không liên kết với những nguyên tắc, mục tiêu cơ bản của mình, đã có vai trò và đóng góp quan trọng vào đời sống chính trị quốc tế nói chung và việc bảo vệ lợi ích đối với các nước đang phát triển nói riêng. Tình hình thế giới, thực tế, đã có những biến đổi sâu sắc theo chiều hướng tích cực nhờ có sự đoàn kết đấu tranh của các lực lượng hoà bình, độc lập và dân chủ mà Phong trào Không liên kết là một bộ phận. Phong trào đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đòi giải trừ quân bị và thành lập khu vực hoà bình và phi hạt nhân. Phong trào đã cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc, là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh đòi thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới và trật tự thông tin quốc tế mới. Phong trào có đóng góp đáng kể vào việc giải quyết tranh chấp và xung đột giữa các nước thành viên bằng biện pháp hoà bình.
Sau Chiến tranh lạnh, Phong trào trong thời kỳ đầu đã có những khó khăn nhất định trong việc xác định lại mục tiêu cho hoạt động của mình khi thế giới không còn hai cực. Tình hình cho thấy các nước đang phát triển tiếp tục đứng trước nguy cơ can thiệp và áp đặt có hại cho độc lập chủ quyền và quyền lợi của mình. Do vậy, các nước này tiếp tục có nhu cầu tham gia vào Phong trào để có một diễn đàn phối hợp với nhau, góp phần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và phát triển của mình, chống sự áp đặt của các nước lớn và chống sự bất bình đẳng trong quan hệ Bắc-Nam, để phối hợp lập trường chung tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Trong bối cảnh đó, phong trào Không liên kết tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, là diễn đàn quan trọng để các nước không liên kết đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu quan trọng liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển.
Từ Hội nghị cấp cao 10 (In-đô-nê-xia 1992), Phong trào Không liên kết đã có những bước điều chỉnh nhất định nhằm thích ứng với tình hình mới. Đặc biệt, kể từ Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 14 tại La Ha-ba-na (Cu-ba) đã đánh dấu một bước tiến mới của Phong trào trong việc khẳng định lại các mục đích, nguyên tắc cơ bản của mình; đồng thời đề ra các định hướng, ưu tiên hoạt động của Phong trào trong giai đoạn quốc tế hiện nay cũng như cho nhiều năm tới. Việc Phong trào liên tục có thêm thành viên mới (tăng từ 108 kể từ Hội nghị Cấp cao 10 năm 1992 lên 118 thành viên ngày nay) đã tiếp tục thể hiện sức sống, sự hấp dẫn và khẳng định vai trò chính trị không thể thiếu của mình. Trong các năm gần đây, phong trào đã có nhiều hoạt động quan trọng nhằm tăng cường đoàn kết thống nhất về vai trò, phương pháp làm việc cũng như hợp tác theo hướng thực chất về kinh tế, văn hoá, y tế ... thông qua cơ chế tham khảo thường xuyên tại Liên hợp quốc và các hội nghị quan trọng.
Những thách thức của Phong trào Không liên kết
Bước sang thế kỷ 21, các nước Không liên kết và đang phát triển nói chung đang đứng trước những thách thức to lớn về phát triển kinh tế, phải đương đầu với những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá. Nhìn chung, các nước Không liên kết vẫn phải tiếp tục đấu tranh giải quyết các vấn đề về đói nghèo, tình trạng bất ổn định về xã hội, xung đột sắc tộc tôn giáo, đối phó với chính sách cường quyền, xu hướng áp đặt và can thiệp của một số nước lớn, trong khi tiếp tục phấn đấu cho một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ hơn, đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, Phong trào cũng đang đứng trước nhiều thách thức: Trình độ phát triển chênh lệch, nhu cầu đa dạng về phát triển và an ninh, xu hướng thực dụng về đối ngoại của nhiều nước thành viên... làm cho phong trào chưa có được tiếng nói chung về một số vấn đề toàn cầu. Sự khác biệt về quan điểm trong phong trào thể hiện trên các vấn đề có liên quan đến xung đột khu vực, giải trừ quân bị, cải tổ Liên hợp quốc ... cũng như các vấn đề về thủ tục, phương pháp làm việc của nội bộ phong trào. Trong nội bộ phong trào vẫn tồn tại một số xu hướng chính:
Một là, muốn tiếp tục kiên định các mục tiêu cơ bản, đồng thời tích cực tham gia đóng góp vào các vấn đề chính trị quốc tế lớn;
Hai là, muốn dừng ở mức hợp tác chung chung, chưa muốn bị ràng buộc vào một cơ chế cụ thể, cũng như tránh tạo cảm tưởng tập hợp lực lượng chống lại một bên nào;
Ba là, muốn có cách tiếp cận thực tiễn hơn trong hợp tác cả về chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng tránh gay cấn với phương Tây và tiếp cận xây dựng hơn trên các vấn đề cải tổ Liên hợp quốc.
Trước mắt, các nước Không liên kết đang dừng ở mẫu số chung là: Tiếp tục khẳng định các nguyên tắc, mục tiêu cơ bản của Phong trào; đề ra định hướng, khuôn khổ hợp tác chung nhưng chưa đi sâu vào chi tiết; thống nhất quan điểm về cải tổ Liên hợp quốc và trên những vấn đề chính trị quốc tế lớn khác.
Hội nghị Cấp cao Không liên kết 16 tại Tehran (Iran) từ 26-31/8/2012 có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tình hình quốc tế, thảo luận về thách thức mới đối với Phong trào để đề ra các biện pháp tăng cường sự đoàn kết, tính năng động và vai trò của Không liên kết trong quan hệ quốc tế, phấn đấu vì một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ hơn, đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Sức sống, vai trò và vị thế của Phong trào phụ thuộc vào nỗ lực của chính các nước thành viên và điều đặc biệt quan trọng là các nước này cần tăng cường sự đoàn kết, phối hợp trong các diễn đàn đa phương về chính trị cũng như về kinh tế và các vấn đề có tính toàn cầu khác, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Trong khi tiếp tục giữ vững các mục tiêu, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Phong trào vì hoà bình, độc lập dân tộc và phát triển, Phong trào cần phát huy tính năng động và thực lực của các nước thành viên và có những điều chỉnh cần thiết nhằm thích ứng với tình hình quốc tế đang biến chuyển từng ngày để tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa tồn tại của mình trong đời sống chính trị quốc tế./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam