Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đầu tư cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), sau khi triển khai chủ trương di dời toàn bộ hệ thống quy mô cảng nội đô của TP Hồ Chí Minh, đến nay nhóm cảng số 5 đã được đầu tư phát triển theo mô hình hiện đại, đầu mối khu vực và trung chuyển quốc tế. Tổng số bến cảng đã đưa vào khai thác đạt 74/151 bến với chiều dài 23,8km và diện tích hạ tầng trên 1.200ha/2.779ha theo quy hoạch.
Đa số các cảng đều là cảng chuyên dụng và đảm nhiệm tới 65% lượng hàng container cả nước. Trong 2 năm 2010- 2011, lượng hàng hoá thông qua nhóm cảng khu vực đạt trên dưới 100 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Các cảng chuyên dụng, cảng container cũng đón nhiều lượt tàu lớn, lên tới 157.000 DWT. Cùng với việc xây dựng các cảng, cơ sở hạ tầng kết nối như đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, luồng hàng hải được triển khai đầu tư.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn khủng hoảng, nhóm cảng số 5 gặp nhiều khó khăn, sự phát triển không đạt như kỳ vọng. Suy thoái vận tải biển, sự cạnh tranh quyết liệt của hàng hải toàn cầu đã dẫn đến lượng hàng qua cảng chưa đạt mức tăng trưởng mong muốn. Mục tiêu năm 2015 đạt 170-200 triệu tấn hàng hoá thông qua được đánh giá là đầy thách thức.
Tại cuộc họp, các ý kiến từ ngành hàng hải, các địa phương sở tại còn tập trung phản ánh sự bất cập, hạn chế trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài cảng, nhất là mảng đường bộ kết nối và dịch vụ logistics. Có tình trạng cảng “treo” vì không có đường kết nối hoặc xe chuyển tải không thể tiếp cận. Có tình trạng thiếu cảng cạn, đầu mối tiếp nhận ngay ở những cảng lớn như Cái Mép – Thị Vải, Hiệp Phước,…
Ngay giữa các địa phương, khi triển khai một số dự án cũng chưa có sự phối hợp tốt, nhất là trong vấn đề bảo vệ môi trường, phân luồng vận tải. Công tác giải phóng mặt bằng, di dời, tạo nguồn vốn từ chuyển đổi công năng cảng cũ để đầu tư cơ sở hạ tầng cảng mới cũng còn chậm trễ, gây khó khăn cho mục tiêu chung.
Những bất cập này dẫn tới tình trạng hệ thống cảng số 5 thiếu các điều kiện đảm bảo hoạt động khai thác thuận lợi, khó thu hút luồng hàng hoá vận tải quốc tế trung chuyển, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế của các dự án cũng như phát triển mục tiêu quy hoạch chi tiết toàn bộ cụm cảng khu vực.
Sơ đồ quy hoạch hạ tầng đồng bộ khu vực cảng. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tháo gỡ, xử lý mạnh những bất cập
Sau khi xem xét, đánh giá tình hình tổng thế của quá trình phát triển cụm cảng số 5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, với lợi thế của một quốc gia ven biển, nằm trên tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng, sôi động, việc hình thành và phát triển những cảng biển nước sâu hiện đại, quy mô lớn là yêu cầu tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển. Trong đó, cảng nước sâu Lạch Huyện ở phía Bắc, nhóm cảng biển phía Nam tại Cái Mép, Bến Đình, Vũng Tàu là những dự án giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhất quán mục tiêu như vậy, nhưng để đạt yêu cầu đề ra, phát huy công năng nhóm cảng này, bên cạnh việc hình thành, xây dựng các cảng, yêu cầu số một cần lưu ý là vấn đề cơ sở hạ tầng kết nối, các trung tâm phân phối hàng hoá, dịch vụ logistics và những cơ chế đặc thù để vận hành, khai thác các bến cảng một cách thuận lợi, đồng bộ với phương thức quản lý hiện đại, thống nhất.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ những điểm yếu mà quá trình triển khai quy hoạch nhóm cảng biển này gặp phải trong thời gian qua và yêu cầu những nỗ lực tháo gỡ, xử lý mạnh mẽ. Đó là việc triển khai quy hoạch chi tiết chưa đồng bộ, việc đầu tư còn manh mún, thiếu các dịch vụ đi kèm, chưa có mô hình quản lý hợp lý và hiệu quả, công tác thu hút vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT với vai trò chỉ đạo triển khai quy hoạch nhóm cảng số 5 cần tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chi tiết, giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch và hướng dẫn để thống nhất tạo sự phát triển đồng bộ và một mô hình quản lý tổng thể, có sự phân hàng, phân luồng, đầu tư, quỹ đất phát triển trong hình hình thành toàn bộ hệ thống cụm cảng khu vực Đông Nam Bộ.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ GTVT rà soát lại các dự án trên tiêu chí đảm bảo tính khả thi, xây dựng đề án mô hình quản lý cảng, thu hút xã hội hoá nguồn lực đầu tư mà vẫn đảm bảo quản lý hiệu quả, tiếp tục nghiên cứu sâu về luồng tàu vào khu vực Cái Mép – Thị Vải.
Bộ GTVT cũng khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư, các địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong các dự án hạ tầng. TP Hồ Chí Minh sớm duyệt các quy hoạch chi tiết về chủ trương di dời cảng nội đô còn lại, nhất là xử lý chuyển đổi công năng các dự án. Các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai tập trung xử lý các vướng mắc trong thi công các đường nối cảng, chuẩn bị dự án, linh hoạt trong công tác huy động vốn đầu tư, tính toán về vấn đề thu phí để vừa thu hút được đầu tư, vừa đảm bảo được tính hiệu quả của dự án.
Nguồn www.chinhphu.vn