Thực hiện chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đảm bảo an toàn, an ninh, Việt Nam chủ trương tiến hành chương trình điện hạt nhân dựa trên một cơ sở hạ tầng quốc gia được nghiên cứu, chuẩn bị, đầu tư xây dựng và phát triển bền vững.
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014.
Việt Nam đã quan tâm đến năng lượng nguyên tử từ những năm 1960 của thế kỷ trước và đã có đầu tư về nguồn nhân lực cho lĩnh vực này từ rất lâu. Từ năm 1980 – 1990, công tác chuẩn bị cho điện hạt nhân được quan tâm tích cực hơn và nhiều nghiên cứu tiếp tục được xúc tiến. Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã xác định tầm quan trọng, tính bền vững của điện hạt nhân trong an ninh năng lượng và đặc biệt chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân.
Chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đã được chính thức hóa tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2009. Tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban.
Theo lộ trình dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi động xây dựng vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 do công ty EPT (Liên bang Nga) đảm trách việc khoan thăm dò địa chất và quan trắc từ giữa năm 2011.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối mới xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, vấn đề an toàn, an ninh cho điện hạt nhân đã trở thành vấn đề cấp thiết hơn lúc nào hết. Tất cả các quốc gia đều được cảnh báo phải tăng cường cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh cho điện hạt nhân.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước có ngành công nghiệp điện hạt nhân tiên tiến, trong đó có Liên bang Nga và Nhật Bản. Việt Nam coi đây là một trong những nhân tố quan trọng, đảm bảo thực hiện thành công dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết, IAEA đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân như việc cung cấp thiết bị, chuyển giao phần mềm tính toán, đào tạo cán bộ trên các lĩnh vực, nghiên cứu công nghệ và phân tích đánh giá an toàn, chu trình nhiên liệu, quản lý và xử lý phóng xạ, quy hoạch năng lượng, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở pháp lý, tham gia thực hiện các điều ước quốc tế về hạt nhân…
“Chính phủ đã thành lập Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia và đã họp phiên đầu tiên. Hội đồng đã có kết luận, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các cơ quan tư vấn của Nhật Bản, Nga phải luôn quan tâm đến vấn đề an toàn, kể cả khảo sát địa điểm cũng như lựa chọn công nghệ sau này” Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, năm 2020 tổ máy điện hạt nhân đầu tiên có công suất 1.000MW sẽ đi vào vận hành. Để làm được điều đó, công tác khởi công sẽ phải bắt đầu từ năm 2014. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kh&CN cũng khẳng định: Chỉ khi nào đảm bảo tuyệt đối an toàn, Việt Nam mới xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Công khai chế độ đãi ngộ hấp dẫn nguồn nhân lực
Mặc dù đã chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhưng nhiều năm qua, Việt Nam vẫn gặp khó trong việc thu hút người đi học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nguyên tử nói chung và các nhà máy điện hạt nhân nói riêng.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa công bố công khai và rộng rãi chế độ chính sách, tạo nguồn động lực, sự hấp dẫn đối với những cán bộ trong lĩnh vực này. Mặt khác, việc lựa chọn người đi học trong lĩnh vực này đòi hỏi nhiều khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Người đi học và làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân phải chấp nhận những rủi ro có thể có trong quá trình học tập, nghiên cứu cũng như trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy sau này.
Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, Việt Nam mới chỉ gửi được hơn 200 người đi đào tạo tại Liên bang Nga, cùng 300 người tới các quốc gia khác để học tập trong những chương trình ngắn hạn và dài hạn về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
“Nếu chúng ta sớm công bố, công khai chế độ đãi ngộ đối với những người đi học và những người sau này làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân thì việc tuyển chọn người đi học và làm việc trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và chúng ta sẽ sớm có đội ngũ cán bộ đủ trình độ để vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai” – Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực, Giáo sư Cao Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng hạt nhân - Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng, cần tập trung theo một chương trình lớn, đồng bộ những nhà khoa học có trình độ, quan tâm đến lĩnh vực điện hạt nhân để gửi đi đào tạo tại nước ngoài.
“Chúng ta không phủ nhận vai trò đào tạo của Việt Nam, nhưng trong giai đoạn hiện nay thì việc đào tạo trong nước không mang nhiều ý nghĩa mà vẫn cần phải tập trung nhân lực gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Hiện nay, ở cơ sở này hay cơ sở kia có cử đi một vài cán bộ nhỏ lẻ chỉ đảm bảo ở mức độ cơ sở nhỏ mà chưa đạt tầm ở cấp độ nhà nước theo đúng khuyến cáo của IAEA. Chỉ còn 8 năm để chúng ta thực hiện điều này, nếu chúng ta không khẩn trương thì sẽ thiếu hụt lớn về cán bộ” - Giáo sư Cao Chi nhấn mạnh.
Không chỉ là… lương cao hơn lương Bộ trưởng
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, cần những chính sách đặc thù, từ khâu đào tạo và làm việc. Cụ thể, đối với sinh viên học chuyên ngành năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân ở các trường Đại học lớn ở Việt Nam cần phải được cấp học bổng và được tạo điều kiện học tập thuận lợi nhất.
Cũng cần tuyển chọn điểm đầu vào ở mức tương đối cao để đảm bảo trình độ của những cán bộ ngành này. Còn những người sẽ làm việc, đặc biệt là những người sẽ vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai thì mức lương cũng phải ở mức thỏa đáng để họ có thể nuôi sống được gia đình và yên tâm làm việc trong một môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Chúng tôi cho rằng mức lương của những người làm việc trực tiếp trong các nhà máy điện hạt nhân có lẽ là phải cao hơn mức lương của Bộ trưởng nhiều lần..” - Bộ Trưởng Quân nói.
Hiện nay, có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về lĩnh vực này có nguyện vọng được tham gia vào dự án điện hạt nhân của Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học, thu nhập chỉ là một chuyện, họ cần một môi trường làm việc. Việt Nam đang cố gắng để tạo ra được một môi trường làm việc tốt nhất cho họ. Đối với nhà khoa học thì không gì bằng thư viện và phòng thí nghiệm.
“Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng một trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân do Liên bang Nga giúp đỡ với trị giá khoảng 500 triệu USD, cùng với những cơ sở nghiên cứu về điện hạt nhân hiện có của chúng ta ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ở các trường Đại học và các viện nghiên cứu khác, chúng tôi cho rằng đến năm 2017-2018 Việt nam sẽ có một hệ thống cơ sở nghiên cứu tương đối hiện đại, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học..” - Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân khẳng định.
Khuyến cáo của IAEA
Sau sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima tại Nhật Bản, nhiều quốc gia đã có những động thái khác nhau liên quan đến chương trình hạt nhân của mình. Một số quốc gia đã tạm ngừng các chương trình hạt nhân hiện tại, một số quốc gia áp dụng chính sách chờ đợi. Tuy nhiên một số quốc gia lại rất tích cực thực hiện chương trình hạt nhân của mình trong đó có Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân theo kế hoạch.
Ông Alexander Bychkov - Phó Tổng Giám đốc IAEA đánh giá, năng lượng điện hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng các thập kỷ tiếp theo. Các nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng ở Đông Âu, Viễn Đông và ở một số nơi khác đã cho thấy xu hướng đó. IAEA cũng hi vọng sau năm 2013, sẽ có thêm một số nhà máy điện năng lượng mới tiếp tục được xây dựng, ít nhất là 3 tổ hợp điện hạt nhân được hoàn thành từ nay đến năm 2017.
Cũng theo ông Alexander Bychkov, với sự phát triển của khoa học công nghệ, mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân đã được cải thiện rất nhiều. Các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị hạt nhân rất tích cực trong việc đẩy mạnh côngnghệ của mình để đảm bảo các chương trình hạt nhân được vận hành an toàn.
“IAEA đã có sự trao đổi hết sức tích cực với Chính phủ Việt Nam. Hiện nay đã có rất nhiều các bản đề xuất cung cấp các sản phẩm công nghệ cho chính phủ Việt Nam từ các nhà cung cấp… Việt Nam cần thiết phải có hỗ trợ của các cơ quan quốc tế, các nước có kinh nghiệm và có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực. Việt Nam đã làm tốt công tác nguồn nhân lực với các chương trình đào tạo cho các chuyên gia về điện hạt nhân với Nga. Với những hoạt động như thế thì Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai thành công các mục tiêu và chương trình của mình đến năm 2020” - ông Alexander Bychkov chỉ rõ.
Trong chương trình hợp tác của mình, IAEA sẽ cố gắng cung cấp kinh nghiệm tốt nhất, những công nghệ tốt nhất trên thế giới cũng như những tư vấn tốt từ phía IAEA cho Chính phủ Việt Nam.
Nguồn VOV Online