Tránh lợi dụng tăng giá xăng để tăng cước vận tải bất hợp lý. (Ảnh minh họa)
Đề nghị trên được đưa ra trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng đã tác động đến giá xăng, dầu trong nước nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu trong nước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương rà soát tính toán các chi phí để xây dựng giá cước hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường và đảm bảo việc kê khai điều chỉnh giá cước (nếu có) phù hợp với tỷ lệ tác động của biến động giá yếu tố đầu vào chủ yếu, tránh lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá cước bất hợp lý.
Các địa phương trên cơ sở các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước tại Nghị quyết số 13 của Chính phủ, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều xăng dầu) rà soát tính toán chi phí sản xuất để xây dựng giá bán hàng hóa, dịch vụ hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá,..., đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc chữa bệnh cho người, gas, cước vận tải, lương thực, thực phẩm,....của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn.
Mới đây, từ 15h ngày 13/8, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tăng giá xăng thêm 1.100 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng từ 500 - 800 đồng/lít, kg. Kể từ sau đợt giảm giá ngày 2/7, đây là lần thứ 3 tăng giá liên tiếp của xăng dầu trong nước.
Nguồn www.chinhphu.vn