Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-15%/năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường.
Thanh khoản VNĐ của toàn hệ thống được đảm bảo và có xu hướng cải thiện so với cuối năm 2011 do huy động vốn tăng cao; Việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá kết hợp với chính sách quản lý ngoại hối đã góp phần ổn định tỷ giá, tăng lòng tin vào đồng Việt Nam; Hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, hoạt động lành mạnh, trật tự kỷ cương thị trường đã được khôi phục lại và tiếp tục được duy trì ổn định…
Đó là những thông tin được công bố tại buổi Tọa đàm về “Chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển” do NHNN và Học viện ngân hàng tổ chức sáng 16/8/2012, tại Hà Nội.
Thông báo hoạt động của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng triển khai chương trình "SME Success" dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất cho vay 12,5-13,5%/năm, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng đối với mỗi khoản vay; Ngân hàng Hàng hải triển khai sản phẩm Tài trợ nhập khẩu MFloat với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay gồm lãi suất cố định 7%/năm (thanh toán hàng tháng) và lãi suất điều chỉnh (thanh toán vào cuối thời gian cấp tín dụng hoặc ngày tất toán khoản vay) nhưng không vượt quá 9%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.
Hiện lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn ở mức 1-2%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 8,8-9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 10-12%/năm.
Lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5% - 1%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế.
Lãi suất cho vay USD ổn định so với tuần trước phổ biến ở mức 5-7%/năm đối với ngắn hạn; 6-8%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo báo cáo của các TCTD, tuần qua, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 113.863 tỷ đồng, bình quân khoảng 22.773 tỷ đồng/ngày; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 56.291 tỷ đồng, bình quân khoảng 11.258 tỷ đồng/ngày.
Trong tuần, các giao dịch liên ngân hàng tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn. Doanh số giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng VND đạt khoảng 70.759 tỷ đồng, tương đương 62% tổng doanh số giao dịch bằng VND; doanh số giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng USD quy đổi ra VND đạt xấp xỉ 43.442 tỷ đồng, tương đương 77% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng đối với các giao dịch bằng VND: Lãi suất giao dịch bình quân kỳ này giảm đối với hầu hết các kỳ hạn; trong đó lãi suất bình quân kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giảm nhẹ, với mức giảm lần lượt là 0,12% và 0,10%; các kỳ hạn còn lại lãi suất giao dịch bình quân giảm tương đối, với các mức giảm từ 0,62% (kỳ hạn 2 tuần) đến 1,86% (kỳ hạn 3 tuần); kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất bình quân giảm 6,98%, tuy nhiên giao dịch ở kỳ hạn này phát sinh không đáng kể. Riêng kỳ hạn 9 tháng, lãi suất bình quân tăng 2,67%.
Đối với các giao dịch bằng USD, lãi suất giao dịch bình quân kỳ giảm nhẹ đối với các kỳ hạn ngắn từ 1 tuần đến 1 tháng, với các mức giảm từ 0,03% đến 0,17%. Các kỳ hạn từ 2 tháng đến 12 tháng lãi suất bình quân tăng; mức tăng từ 0,04% (kỳ hạn 2 tháng) đến 0,66% (kỳ hạn 3 tháng). Trong kỳ không phát sinh giao dịch kỳ hạn 9 tháng và trên 12 tháng.
Trong tuần qua, thị trường ngoại hối tiếp tục diễn biến tương đối ổn định. Thanh khoản toàn hệ thống được cải thiện, trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống ở mức dương nhẹ, các Tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng. Tỷ giá giao dịch trên thị trường trong xu hướng giảm. Hiện, tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại đang phổ biến quanh khoảng 20.835/ 20.870 đ/USD./.
Nguồn VOV online