Vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ

Sáng 20/8, tại TP HCM, Ban tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận số 24 ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị.

Dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải và các Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Bí thư ban cán sự đảng, Bí thư đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tô Huy Rứa làm rõ thêm một số chủ trương, định hướng về đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Kết luận số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về công tác quy hoạch và công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp uỷ, tổ chức Đảng đã tích cực triển khai, đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ.

Trong một số năm gần đây, công tác quy hoạch cán bộ ở các ban, Bộ, ngành, địa phương đã dần đi vào nền nếp, đạt được một số kết quả quan trọng; nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện, tỉnh và các ban, Bộ, ngành Trung ương tương đối dồi dào; trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc ít người đã có bước tiến bộ.

Công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã được thực hiện theo quy hoạch. Hầu hết cán bộ được bổ nhiệm các chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều là cán bộ trong quy hoạch.

Công tác quy hoạch cán bộ đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện đồng bộ hơn, chất lượng hơn các khâu khác trong công tác cán bộ.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng tích cực triển khai công tác luân chuyển cán bộ, góp phần đào tạo, thử thách cán bộ qua thực tiễn và tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn, khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ.

Bộ Chính trị cũng chỉ ra những tồn tại yếu kém trong công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ: Đó là việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, đơn vị chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi.

Chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, chưa đồng đều. Cơ cấu cán bộ trong quy hoạch chưa cân đối, ít cán bộ trẻ, cán bộ nữ; trình độ, ngành nghề đào tạo của cán bộ ở nhiều nơi chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhìn tổng thể, quy hoạch cán bộ thời gian qua chưa có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với Trung ương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác...

Một số nơi thực hiện luân chuyển, đào tạo cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý Nhà nước nhìn chung còn ít, vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ. Về phía cán bộ luân chuyển, một số ít còn chậm tiếp cận với công việc, đóng góp đối với địa phương còn hạn chế, …

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận kỹ những giải pháp thực hiện các chủ trương định hướng về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị.

Cụ thể gồm 5 vấn đề chính là: Công tác đổi mới đánh giá cán bộ; đổi mới khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quy hoạch cán bộ, nhất là yếu kém trong việc đào tạo cán bộ nguồn từ xa; đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, kết hợp với luân chuyển đào tạo cán bộ với việc bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản l‎ý không phải là người địa phương cấp tỉnh, huyện; đổi mới công tác quy hoạch cán bộ với các khâu trong công tác cán bộ.

Bộ Chính trị yêu cầu: trong quá trình nghiên cứu, đổi mới công tác cán bộ cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với đề cao thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục những hạn chế, yều kém trong công tác cán bộ.

Ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh: “Chúng ta đang tiến hành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp của Đảng. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là lãnh đạo quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng. Quyết tâm tự giác đổi mới công tác cán bộ, đưa nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống, nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa hiện đạo hóa và hội nhập quốc tế”.

Theo ông Tô Huy Rứa, đây là những vấn đề cấp bách, lâu dài, vừa là thử thách và cơ hội lớn để Đảng ta trong sạch vững mạnh hơn, xứng đáng với sự trông đợi của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Các đại biểu tập trung tham gia đóng góp vào 7 dự thảo, vản bản, đề án trình tại hội nghị. Đây là những vấn đề mới, chúng ta chưa làm như; bỏ biếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, chức trách của người đứng đầu…vì vậy cần phải thảo luận kỹ lưỡng. Trong khi bàn những vấn đề chi tiết thì đừng thoát ly, đừng mâu thuẫn với quan điểm chung.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Hội nghị lần này tập trung quán triệt một mảng nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Tổng Bí thư yêu cầu trong công tác cán bộ phải thực hiện đúng quan điểm chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; nghiêm túc, thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ, chú ‎ý‎ công tác đánh giá cán bộ./.

Nguồn VOV Online