Trình bày tờ trình, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban soạn thảo cho biết, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 06, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã từng bước được nâng lên cả về chất lượng và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Tuy nhiên, đến nay hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn còn một số bất cập như: chưa đa dạng về hình thức, nội dung, lúng túng trong tổ chức thực hiện và chưa thu hút được nhiều cử tri quan tâm; chất lượng, hiệu quả có lúc, có nơi còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy định về tập hợp, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị cử tri; trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức, phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị cử tri còn chưa được đầy đủ, rõ ràng...
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập về tiếp xúc cử tri, tăng cường hơn nữa mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội, tiếp tục cải tiến nội dung, cách thức tiến hành tiếp xúc cử tri, Đảng Đoàn Quốc hội khóa XII đã có Đề án đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII vừa qua đã ban hành Nghị quyết về “Một số cải tiến, đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong đó có nội dung cải tiến, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 06 là rất cần thiết.
Về tên gọi của Nghị quyết, ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, để bảo đảm tên gọi của Nghị quyết phù hợp với các nội dung và phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, Ban soạn thảo đề nghị lấy tên gọi của Nghị quyết là: “Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”. Theo đó, dự thảo Nghị quyết có 6 chương, 39 Điều, tăng 1 chương và 20 Điều so với Nghị quyết 06.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, hiện vẫn còn 3 nội dung sửa đổi, bổ sung còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của UBTVQH, đó là: Về xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp; về cử tri tham gia góp ý kiến với đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu; về tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp Quốc hội.
Liên quan đến việc xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp, theo ý kiến của Ban soạn thảo, Dự thảo Nghị quyết tiếp tục quy định việc xây dựng và trình Quốc hội báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với UBTVQH.
Đáng lưu ý, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định cử tri ở đơn vị bầu cử tham gia góp ý kiến với đại biểu Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri vào sau kỳ họp cuối mỗi năm và xác định trách nhiệm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo UBTVQH. Dự thảo cũng tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, mặc dù nội dung, chương trình kỳ họp đã được các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đăng tải đầy đủ, nhưng việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp không chỉ nhằm thông báo kết quả kỳ họp mà đại biểu Quốc hội còn có trách nhiệm giải trình những vấn đề mà cử tri nêu nữa.
Về tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp Quốc hội, có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng về tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp vì nội dung, chương trình kỳ họp đã được các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương đăng tải đầy đủ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa quy định này để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp không chỉ thông báo kết quả kỳ họp mà đại biểu Quốc hội còn có trách nhiệm giải trình những vấn đề mà cử tri nêu.
Để tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo kiến nghị UBTVQH chỉ đạo việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất. Bên cạnh đó, để đại biểu Quốc hội chủ động trong việc tiếp xúc cử tri và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, đề nghị UBTVQH chỉ đạo tạo điều kiện về kinh phí, trong đó có việc nghiên cứu khoán một phần kinh phí tiếp xúc cử tri để đại biểu Quốc hội chủ động hơn trong hoạt động này. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung một khoản kinh phí về hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp liên quan đến tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Cho ý kiến về các vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm giữ quy định về tập hợp ý kiến cử tri như hiện hành. Theo ông Phùng Quốc Hiển, quy định cử tri đóng góp ý kiến cho đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng cần thiết, nhưng chú ý diện lấy ý kiến. Nếu hẹp quá thì không có nhiều ý nghĩa, nhưng rộng quá có khi cử tri cũng không nắm rõ hoạt động của đại biểu để góp ý bởi nhiều ĐBQH hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau nên không phải cử tri nào cũng nắm được hết, do đó, nên dành thời gian để đại biểu báo cáo với cử tri kết quả hoạt động của mình.
Đồng tình quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, song ông Hiển đề nghị bổ sung quy định cho phép ĐBQH được lựa chọn hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp với điều kiện công tác, điều kiện thời gian... của bản thân; đảm bảo tăng thời lượng, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri.
Đánh giá cao công trình của Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH phải có đại diện lãnh đạo địa phương mới đảm bảo ý nghĩa thực chất.
Góp ý về nội dung báo cáo của ĐBQH tại các cuộc tiếp xúc với cử tri, bà Mai đề nghị nên chia làm hai nhóm là nhóm vấn đề bắt buộc phải báo cáo (nội dung, Nghị quyết của Kỳ họp...) và nhóm vấn đề do đại biểu tự quyết định.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì nhận xét, nội dung khác biệt căn bản của quy định mới so với hiện hành sẽ là chuyển từ tiếp xúc theo đoàn ĐBQH sang việc từng ĐBQH tiếp xúc với cử tri. Như vậy, hình thức tiếp xúc cũng như đối tượng cử tri tham gia tiếp xúc sẽ đa dạng hơn nhiều, trách nhiệm của ĐBQH cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc yêu cầu lãnh đạo địa phương có mặt trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH là khó khả thi. Thay vào đó, cần quy định trách nhiệm của địa phương trong việc phản hồi ý kiến của ĐBQH.
Tại phiên họp, hầu hết các thành viên của UBTVQH đều đồng tình với việc cần tiếp tục tổ chức tiếp xúc cử tri cả trước và sau kỳ họp Quốc hội như hiện nay. Tuy nhiên, theo các đại biểu nên quy định hình thức tiếp xúc cử tri theo hướng mở để không gây khó cho các đại biểu; tạo sự chủ động và điều kiện để đại biểu tiếp xúc cử tri được nhiều cuộc. Từng đại biểu tiếp xúc với cử tri sẽ hiệu quả và nâng cao trách nhiệm, chất lượng hơn tổ chức theo đoàn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cử tri của đại biểu Quốc hội là rất quan trọng và cần thiết. Mục tiêu của hoạt động tiếp xúc với cử tri, với nhân dân là để sau đó, đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng luật pháp, chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đúng hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn; đồng thời nêu cao trách nhiệm của từng đại biểu, giải quyết tốt những vấn đề thiết yếu của người dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri cần được thiết kế phong phú, đa dạng; đặt trong hoạt động giám sát, xây dựng luật pháp và các hoạt động khác để có các hình thức, cách thức phù hợp. Tiếp xúc trước kỳ họp, sau kỳ họp và tiếp xúc chuyên đề phải có nội dung, cách làm phù hợp, quy định rõ hơn địa điểm, đối tượng.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam