Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả giám định tư pháp

Chiều 20-8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp cấp Trung ương, đã chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ban chỉ đạo.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền
ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp khi luật có hiệu lực thi hành
từ ngày 1/1/2013. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Đức Chính, qua triển khai thực hiện Đề án, thể chế về hoạt động giám định tư pháp đã có bước hoàn thiện quan trọng với việc Quốc hội thông qua Luật Giám định tư pháp và một số quy trình, quy chuẩn chuyên môn giám định tư pháp, một số chính sách về tài chính, đãi ngộ…

Chất lượng giám định tư pháp được nâng lên

Chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hoạt động tố tụng, giải quyết được một số “điểm nghẽn” trong hoạt động giám định tư pháp cũng như trong hoạt động tố tụng. Do đó, vai trò đầu mối của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này được phát huy chủ động hơn.

Số lượng giám định viên, người làm giám định tư pháp đã có bước phát triển nhanh chóng. Trong 2 năm qua, cả nước đã tăng thêm 940 giám định viên so với trước khi có Đề án. Đến nay, tổng số giám định viên được bổ nhiệm, cấp thẻ là 3.633 người trên nhiều lĩnh vực khác nhau như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính – kế toán, xây dựng, văn hoá, tài nguyên – môi trường, giao thông vận tải, nông, lâm, ngư nghiệp, khoa học kỹ thuật và một số lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, có 400 người giám định theo vụ việc là những chuyên gia của các bộ, ngành.

Bộ Công an đã triển khai “Xây dựng tàng thư gen tội phạm quốc gia” với quy mô ban đầu là 50.000 mẫu với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng tại Viện Khoa học hình sự và các phân viện. Các phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Khánh Hoà, Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ giám định pháp lý, giám định gen bằng công nghệ bán tự động…

Bộ Y tế đã phê duyệt đầu tư xây dựng Viện Pháp y quốc gia với kinh phí hơn 333 tỷ đồng, đang triển khai xây dựng phòng xét nghiệm AND và các dự án trang thiết bị đồng bộ khác.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai có nhiều bất cập, hạn chế như một số địa phương không ban hành kế hoạch để thực hiện hoặc có ban hành nhưng hình thức, không xây dựng được chỉ tiêu, giải pháp, thời hạn thực hiện cho từng nhiệm vụ cụ thể. Nhiều nhiệm vụ được giao cho các bộ ngành phải thực hiện xong từ năm 2010-2011 nhưng chưa hoàn thành, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện việc khảo sát, thống kê, đánh giá về nhu cầu giám định, chưa thật quan tâm đến triển khai Đề án tại ngành mình.

Nguyên nhân lớn của những hạn chế, bất cập là do lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Nhận thức của lãnh đạo ở các cấp, các ngành về vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, đời sống xã hội của hạn chế nên coi nhẹ việc tổ chức quán triệt thực hiện Đề án…

Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể của các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực giám định pháp y về những kết quả đạt được, những yếu kém, bất cập cần sớm được khắc phục để công tác này thực sự chính xác, khách quan, minh bạch, là cơ sở quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan tố tụng.

Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng cũng tán thành nhiều ý kiến, đề xuất của các Bộ, ban, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đãi ngộ đối với lĩnh vực này, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho vấn đề này, cần khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp khi luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Các bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho các bộ giám định tư pháp. Đề xuất chính sách xung quanh vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, mô hình về tổ chức bộ máy của Viện Pháp y quốc gia. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giám định phải làm tốt hơn nữa, tránh chồng chéo.

Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình để nâng cao hiệu quả đối với công tác giám định tư pháp, góp phần quan trọng vào các hoạt động tố tụng.

Nguồn www.chinhphu.vn