Học sinh Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội
Các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung học năm học 2012-2013 gồm những nội dung chủ yếu sau:
Tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học, tạo ra sự chuyển biến cơ bản về tổ chức hoạt động dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường trung học. Chỉ đạo điểm mô hình trường trung học đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành gắn với việc đổi mới giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại mỗi cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về chất lượng giáo dục trung học.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của các trường trung học về thực hiện kế hoạch giáo dục; nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục trường trung học, đặc biệt là nâng cao vai trò của các sở GDĐT, phòng GDĐT, trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trong việc thực hiện kỷ cương, nền nếp quản lý dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi.
Tích cực triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trung học; chú trọng bồi dưỡng năng lực giáo dục đạo đức, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm đánh giá; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán; chú trọng tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ bộ môn; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc tổ chức, phối hợp giáo dục toàn diện quản lý học sinh.
Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục THCS và triển khai Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.
Các nhiệm vụ cụ thể gồm có: Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua; Thực hiện kế hoạch giáo dục; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; Phát triển mạng lưới trường lớp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia; phát triển hệ thống trường THPT chuyên; Duy trì, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục; Đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học.
Các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” bằng những nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp điều kiện từng địa phương, từng cơ sở trường học; gắn với việc đổi mới phương thức giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại mỗi địa phương, đơn vị, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về chất lượng giáo dục trung học.
Các cấp quản lý giáo dục tích cực tham mưu với UBND rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp THCS, THPT giai đoạn 2011-2015, trong đó chú trọng phát triển các trường THCS liên xã, trường THPT chuyên, trường nội trú, bán trú; giải quyết quỹ đất cho trường học theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia. Chú ý tổ chức, quản lý tốt hệ thống các trường chuyên biệt; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các trường có yếu tố nước ngoài.
Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác để tăng cường trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa năng, vườn trường, nhất là đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Các trường THCS, THPT có điều kiện, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, cần quan tâm tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động tập thể nhằm giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục thể chất, rèn luyện kĩ năng sống, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Các Sở GD&ĐT cần chỉ đạo các trường yêu cầu giáo viên tăng cường sử dụng thiết bị giáo dục, đồ dùng dạy học, khai thác triệt để cơ sở vật chất của nhà trường để đảm bảo việc dạy học có chất lượng. Chỉ đạo, tổ chức tốt phong trào giáo viên tự làm đồ dùng dạy học.
Tăng cường thực hiện xã hội hóa giáo dục, vận động, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng, cải tạo cảnh quan đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, an toàn theo quy định; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh thực sự để thu hút học sinh đến trường, tổ chức các hoạt động giáo dục.
Tăng cường quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục; củng cố kỷ cương, nề nếp trong dạy học, kiểm tra đánh giá, thi, bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng; quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT; quản lý, phối hợp hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011. Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn đối với các trường trung học có yếu tố nước ngoài và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Tích cực áp dụng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, họp, trao đổi công tác qua mạng Internet, video, website, đặc biệt trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, thanh tra viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường sử dụng phần mềm máy tính trong việc quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sắp xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện trường học.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại