Giáo dục giao thông an toàn cho HS, SV ngay từ đầu năm học

Hiện nay, tình trạng vi phạm giao thông đường bộ của học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng. Hiện tượng học sinh dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng v.v…diễn ra khá nhiều. Do vậy việc chấn chỉnh hành vi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học là việc làm cần thiết.

Với mỗi một phụ huynh, bên cạnh mối quan tâm về chất lượng học tập của con em mình thì vấn đề: Làm thế nào để con em mình được an toàn khi đến trường cũng đang là nỗi lo lớn của những người làm cha, làm mẹ, nhất là trong tình trạng giao thông như hiện nay.

Một thống kê cho thấy, trong các đợt kiểm tra, xử lý hành chính các trường hợp sai phạm ở Hà Nội gần đây, có khoảng trên dưới 20% đối tượng vi phạm giao thông là học sinh phổ thông. Các lỗi vi phạm của học sinh, sinh viên chủ yếu là: Phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, đi dàn hàng ngang trên phố gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ và không đội mũ bảo hiểm.

Nhiều học sinh đi xe máy đến trường ....và vi phạm luật an toàn giao thông như thế này!
Ảnh: gdtd.vn

Trước hiện tượng trên, một số trường học, địa phương đã cấm học sinh phổ thông đi xe máy đến trường nhằm từng bước chấn chỉnh ý thức tham gia giao thông của học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giải pháp trên xem ra vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.

Công bằng mà nói, sự thiếu ý thức của các em, trước hết một phần là có lỗi của các bậc phụ huynh. Nhiều gia đình mải làm ăn, buôn bán, các bậc phụ huynh không dành nhiều thời gian, không quan tâm tới việc dạy dỗ con cái, không giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ còn cho con đi xe máy đến trường khi các em chưa có giấy phép lái xe thậm chí là mua xe riêng cho con.

Một hình ảnh rất phản cảm là ngay cả khi chở con nhiều phụ huynh vẫn cứ mặc nhiên để con em không đội mũ bảo hiểm. Vô hình chung chính các bậc phụ huynh đã dung túng cho con em mình vi phạm an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, các chế tài áp dụng đối hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe; việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.

Nhằm chấn chỉnh giao thông học đường, thiết nghĩa gia đình, nhà trường và xã hội cần có những hành động cụ thể. Trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng cần phải xem xét khi không hoàn thành nhiệm vụ giáo dục các em. Trước hết các bậc phụ huynh phải nghiêm túc chấp hành luật giao thông để làm gương cho con em mình và tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đối với nhà trường, cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh, sinh viên trong đó có phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ. Ngoài ra cần phối kết hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh tổ chức những bài giảng ngoại khoá về luật giao thông đường bộ cho các em nhằm nâng cao ý thức cho các em mỗi khi đi đường.

Không đội mũ cũng không sao....? và vô hình chung phụ huynh chính là người tiếp tay
cho con em mình vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: gdtd.vn

Cần đưa kết quả giáo dục ý thức pháp luật thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá kết quả dạy và học của các trường, các lớp và của giáo viên. Với học sinh cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên.

Về phía gia đình cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật của con cái, không mua xe mô tô, xe máy cho con hoặc không cho phép con đi xe mô tô, xe máy đến trường.

Các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, của học sinh, sinh viên nói riêng.

Chấn chỉnh giao thông học đường không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại