Cúm A/H5N1 đe dọa bùng phát ở người

Từ đầu năm nay, cả nước đã phát hiện 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc cúm gia cầm tái phát tại một số địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng và Ninh Bình đang làm tăng nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N1 trên người.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương xảy ra dịch cúm gia cầm đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng chống dịch lây sang người.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện Trung tâm đang cho theo dõi hơn 260 trường hợp thường xuyên tiếp xúc với gia cầm. Nếu phát hiện trường hợp nào có biểu hiện nghi mắc cúm A/H5N1 sẽ cho cách ly điều trị ngay.

Từ đầu năm nay, cả nước đã phát hiện 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Thông báo mới đây của Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kết quả phân tích giải trình gien cho thấy đã xuất hiện nhánh virus cúm gia cầm mới ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện, tác dụng bảo vệ của vaccine trước chủng virus cúm gia cầm mới này giảm mạnh, chỉ còn 35-40%. Điều này khiến nguy cơ dịch cúm A/H5N1 trên người ngày càng cao.

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh là đường lây truyền chính. Thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn những trường hợp mắc cúm A/H5N1 đều liên quan đến chăn nuôi, giết mổ và ăn thịt gia cầm.

Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay là việc lưu hành virus không có biểu hiện lâm sàng ở đàn gia cầm khỏe mạnh, khiến người dân không biết gia cầm nào bị bệnh để đề phòng. Đây cũng là nguồn bệnh khó kiểm soát nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người; trong đó người già và trẻ em là đối tượng dễ nhiễm virus nhất do sức đề kháng kém.

Bên cạnh đó, chủng virus mới có nhiều trong chất bài tiết của gia cầm bệnh rất dễ lây truyền qua không khí, bụi và đường hô hấp. Ông Nguyễn Trần Hiển cho rằng: “Trước hết phải ưu tiên ngăn chặn sự lan truyền dịch ở gia cầm. Bên cạnh đó, phải phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm ốm. Ngành Y tế phải phối hợp chặt chẽ với ngành Thú y, tăng cường giáo dục sức khỏe, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch cúm ở gia cầm và người, cảnh báo người dân tăng cường hơn nữa các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống để dự phòng việc lây truyền bệnh từ gia cầm sang người”.

Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các địa phương đang có dịch cúm gia cầm như Quảng Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ninh nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để dịch cúm gia cầm có cơ hội lây lan sang người, đặc biệt tuyên truyền cho người dân hiểu về cơ chế lây truyền dịch bệnh. Thời điểm này, dù chưa phát hiện ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 nào mới nhưng người dân không nên chủ quan, bởi 2 ca tử vong do cúm A/H5N1 hồi đầu năm đều do lơ là sau gần 2 năm không có ca mắc mới.

Nguồn VOV.VN