Bướm Nhật biến dị do thảm họa hạt nhân Fukushima

Lũ bướm sống quanh nhà máy điện hạt nhân không chỉ bị đột biến hình râu và cánh mà số chân của chúng cũng tăng lên nhiều.

Người Nhật lại thêm lo âu về nhiễm xạ hạt nhân khi giới khoa học phát hiện nhiều đột biến gen trên loài bướm bị phơi nhiễm với các chất phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) sau khi bị sóng thần gây hư hại nghiêm trọng hồi tháng 3/2011.

Kết quả nghiên cứu thực địa và trong phòng thí nghiệm được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports đã chỉ ra mối liên hệ giữa các chất phóng xạ và đột biến gen trên loài bướm ở đây.

(Ảnh: AFP)

Theo đó, 2 tháng sau thảm họa kép tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, một nhóm nghiên cứu của Nhật đã tiến hành thu thập 144 con bướm trưởng thành thuộc họ bướm cánh mỏng Zizeeria maha, sinh sống tại 10 khu vực khác nhau trên lãnh thổ nước này trong đó có thành phố Fukushima.

Người đứng đầu dự án nghiên cứu, Phó Giáo sư Joji Otaki, cho biết, họ đã tiến hành nuôi 144 con bướm trên trong các phòng thí nghiệm nằm cách nhà máy Fukushima 1.750 km – khu vực không bị ảnh hưởng bởi phóng xạ.

Bằng cách so sánh những đột biến xuất hiện trên loài bướm thu thập từ các địa điểm này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được những khu vực có hàm lượng phóng xạ cao trong môi trường.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã mất hơn 10 năm để nghiên cứu quá trình sinh sôi và phát triển của loài bướm Zizeeria maha. Trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, họ đã cân nhắc sử dụng bướm Zizeeria maha như một "chỉ số môi trường" bởi loài bướm này rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường xung quanh.

Nghiên cứu trên loài bướm cho thấy các nuclit phóng xạ phát tán từ thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn đang ảnh hưởng tới quá trình phát triển của động vật ngay cả sau khi lượng bức xạ còn dư trong môi trường đã phân rã.

Thay hình đổi dạng thêm chân

Những con bướm sống xung quanh nhà máy Fukushima không chỉ bị đột biến hình râu và cánh mà số chân của chúng cũng tăng nhiều hơn.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy gần 12% số bướm sống gần nhà máy Fukushima có phần cánh nhỏ hơn và đôi mắt dị dạng. Đôi râu của những con bướm này, vốn được sử dụng để phát hiện môi trường và tìm kiếm bạn tình, cũng mang dáng hình kỳ lạ.

"Côn trùng là loài có sức đề kháng cao với phóng xạ nên kết quả này khá là bất ngờ", Phó Giáo sư Joji Otaki thuộc Đại học Ryukyu (Okinawa), cho hay.

Mấy đời liền vẫn biến dị

Những con bướm biến dị này sau đó đã được nhân giống trong phòng thí nghiệm cách xa khu vực phóng xạ, nhưng đến 18% thế hệ bướm đời sau vẫn bị biến dị. Đến đời bướm thứ ba thì tỷ lệ biến dị lên đến 34% dù có một bướm bố/mẹ là bướm thường.

Bốn tháng sau đó, các nhà nghiên cứu thu thập thêm 240 mẫu bướm khác tại khu vực Fukushima. Khi đó, mức độ biến dị đã lên đến 52%.

Sáu tháng sau (11/2011), các nhà khoa học tiếp tục thu thập những con bướm trưởng thành khác tại 10 khu vực trước đây. Kết quả cho thấy, tỷ lệ đột biến của những con bướm đang sinh sống tại Fukushima cao gấp 2 lần so với những con được bắt tại cùng khu vực này ngay sau khi xảy ra thảm họa.

(Ảnh từ Science Report)

“Nguyên nhân chỉ có thể là phóng xạ”

Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ đột biến cao tại Fukushima là do những con bướm này đã ăn phải thức ăn nhiễm phóng xạ và cả những đột biến gene di truyền từ thế hệ trước.

Để xác minh, Otaki đã để một con bướm thường nhiễm phóng xạ nhẹ trong phòng thí nghiệm và thu được kết quả tương tự như những con bướm ông tìm thấy.

"Chúng tôi khẳng định rằng phóng xạ từ nhà máy Fukushima đã gây ra những đột biến gen ở loài bướm này." ông Otaki nói.

Nhà sinh vật học Tim Mousseau tại Đại học Bắc Carolina cũng khẳng định: Nguyên nhân duy nhất cho hiện tượng đột biến và dị hình trên loài bướm tại Nhật Bản là do phơi nhiễm với các chất phóng xạ.

Ông Mousseau, chuyên gia về những tác động phóng xạ tới các loài động thực vật trong thảm họa Chernobyl và Fukushima, nhận định rằng phát hiện trên của các nhà khoa học Nhật Bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc nghiên cứu sức khỏe của con người cũng như giới sinh vật tại Fukushima.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Otaki cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận thực sự, và những ảnh hưởng lên bướm có thể không gây ảnh hưởng lên các loài khác. Ông và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu về mức độ nhiễm phóng xạ lên các loài khác.

Thế nhưng, khám phá của nhóm nghiên cứu Otaki đã làm dấy lên nỗi lo sợ về việc nhiễm phóng xạ giữa những người sống gần nhà máy Fukushima suốt nhiều ngày, nhiều tuần trước khi di dời.

Dẫu chưa có báo cáo tử vong do phóng xạ từ nhà máy này, nhưng những người đã rời đi và cả những ai còn ở lại đều canh cánh lo sợ khi các nhà khoa học cảnh báo phải mất nhiều chục năm nữa khu vực thảm hoạ mới an toàn cho con người.

Thảm hoạ động đất - sóng thần hồi tháng 3/ 2011 ở Nhật đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất tại một nhà máy điện trong suốt 25 năm qua./.

Nguồn VOV Online