Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở Đảng nông thôn, miền núi

(NTO) Tỉnh ta có 65 xã, phường, thị trấn, trong đó có 47 xã nông thôn và miền núi. Trong những năm qua, bằng những giải pháp linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng địa phương, cấp uỷ Đảng các cấp đã chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) nông thôn, miền núi đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên do đặc điểm là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm gần 25%), hầu hết sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn của 36 xã thuộc các huyện, thành phố, nên việc nâng cao chất lượng TCCSĐ nông thôn, miền núi vẫn còn những khó khăn nhất định.

 
Hàng năm Đảng bộ huyện Ninh Sơn đã có Nghị quyết sát đúng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong ảnh: Nông dân xã Nhơn Sơn thu hoạch lúa hè - thu. Ảnh: Văn Miên

Có dịp theo đoàn công tác trong đợt khảo sát vừa qua, chúng tôi ghi nhận đang có những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết trong công tác xây dựng Đảng ở nông thôn, miền núi. Theo nhận xét của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, nổi lên trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều TCCSĐ ở Đảng bộ tỉnh ta được nâng lên, thể hiện được vị trí hạt nhân chính trị tại cơ sở nói chung, vùng nông thôn nói riêng. Các chi, Đảng bộ đã giữ vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đổi mới nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt sát với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình TCCSĐ. Kết quả đánh giá chất lượng 457/462 TCCSĐ trong toàn Đảng bộ tỉnh năm qua cũng cho thấy có 353 TCCSĐ (chiếm tỷ lệ 76%) trong sạch, vững mạnh, trong đó có 26/47 TCCSĐ xã. Đặc biệt, nội dung công tác dân vận của các cấp uỷ địa phương đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận xã hội và củng cố quốc phòng- an ninh. Các Đảng bộ huyện đã từng bước hoàn thiện mô hình các tổ chức Đảng theo hướng phù hợp, sát với địa bàn dân cư. Điển hình là Đảng bộ huyện Ninh Phước với trên 50 chi bộ thôn trực thuộc 8 Đảng bộ xã; những năm qua, Huyện ủy Ninh Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị xây dựng hoàn thiện dần mô hình các tổ chức Đảng, qua đó tạo nền tảng để kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của TCCSĐ các xã. Nhiều nơi, các TCCSĐ cấp xã đã tập trung làm tốt công tác củng cố tổ chức, đoàn kết nội bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Đơn cử Đảng bộ xã Lương Sơn (Ninh Sơn), từ hiện tượng nội bộ mất đoàn kết, nhờ sinh hoạt với các chi bộ thôn và luôn gần dân, các cấp uỷ đã ổn định dần bộ máy tổ chức Đảng và hệ thống chính trị, lấy lại lòng tin của ĐV và nhân dân.

 
Đường giao thông An Hòa - Phước Trung. Ảnh: Văn Miên

Tuy nhiên bên cạnh ưu điểm chung của các TCCSĐ nông thôn, miền núi, không thể phủ nhận là vẫn còn những khuyết điểm, bất cập cần khắc phục, mà rõ nét nhất là vấn đề chất lượng cán bộ (CB), chất lượng sinh hoạt chi bộ và công tác phát triển ĐV mới. Thực tiễn từ Đảng bộ huyện Bác Ái cho thấy, trong 9 Đảng bộ xã, qua phân loại cuối năm 2011 có 5 Đảng bộ xã đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, 4 Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ và dù được đánh giá chất lượng đội ngũ CB, ĐV có nâng lên, nhưng thực tế vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của huyện Bác Ái trong giai đoạn mới. Nhìn chung ở vùng nông thôn, miền núi tỉnh ta, đa số lãnh đạo cấp ủy xã vẫn hạn chế về trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn và đáng lo là trong quá trình triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết cấp trên hoặc các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, vẫn bộc lộ rõ sự lúng túng cả về phương pháp lẫn nội dung công tác. Trong công tác phát triển ĐV mới, năm qua đã có 284 ĐV kết nạp tại các TCCSĐ xã; riêng từ đầu năm đến thời điểm cuối tháng 6, toàn tỉnh đã kết nạp 396 ĐV mới (đạt 52,8% kế hoạch). Các Đảng bộ huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước đều đạt từ 57-60% chỉ tiêu kết nạp năm, riêng huyện Thuận Nam đã vượt 7,84% kế hoạch phát triển ĐV mới trong năm nay. Kết quả là vậy, song thực chất trên địa bàn dân cư nông thôn, nhất là miền núi đang gặp khó khăn trong công tác phát triển ĐV mới, toàn tỉnh vẫn còn 2 thôn “trắng” ĐV.

Từ thực trạng trên, có thể thấy rằng để nâng cao chất lượng xây dựng TCCSĐ nông thôn, miền núi, trước hết phải khắc phục mặt hạn chế, tồn tại vừa nêu. Hầu hết các Đảng bộ huyện đều đặt trọng tâm nhiệm vụ là tập trung vào công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ CB xã, thực hiện luân chuyển CB, đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, đồng thời có kế hoạch nâng chất lượng đội ngũ ĐV và tăng cường kết nạp ĐV mới trên địa bàn dân cư bảo đảm chất lượng. Và tùy tình hình thực tế, từng Huyện ủy sẽ xác định mục tiêu cụ thể để phấn đấu hoàn thành từ nay đến cuối năm. Chẳng hạn đối với Đảng bộ huyện Ninh Sơn là phấn đấu xóa tình trạng “trắng” ĐV ở thôn còn lại, đối với Đảng bộ huyện Bác Ái là khắc phục tình trạng chi bộ thôn sinh hoạt ghép.

Theo kế hoạch công tác xây dựng Đảng từ nay đến cuối năm, Tỉnh uỷ sẽ xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi”. Đây sẽ là “cẩm nang” quan trọng cho các Đảng bộ huyện định hướng triển khai thực hiện.

Đồng chí Lê Thị Chinh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy:

Qua khảo sát, mặt được của các TCCSĐ nông thôn, miền núi là có đội ngũ bí thư cấp uỷ đã trưởng thành từ cơ sở, đa số có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; xác định được nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng; giải quyết được tâm tư, bức xúc, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân. Cán bộ, đảng viên nông thôn, miền núi từng bước chuyển hoá và đảm đương tốt nhiệm vụ được phân công. Mặt hạn chế là các TCCSĐ nông thôn, miền núi chưa lãnh đạo hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, có hiện tượng ĐV đang "lão hoá" dần và cơ cấu kết nạp ĐV mới không đều, thiếu linh hoạt.

Để khắc phục hạn chế trên, theo tôi trước hết cần nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo của TCCSĐ nông thôn, miền núi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong nhân dân; xây dựng các tổ chức đoàn thể và hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong xây dựng Đảng, trọng tâm là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng đội ngũ CB, ĐV đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đồng Chí Phan Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn:

Thực hiện công tác xây dựng Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện uỷ Ninh Sơn đã thành lập các tổ công tác và phân công các đồng chí uỷ viên phụ trách địa bàn định kỳ dự sinh hoạt với chi, đảng bộ cơ sở, chủ yếu là cấp xã để kịp thời nắm bắt tình hình, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp. Ưu điểm là hầu hết cán bộ chủ chốt và chuyên trách cấp xã có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gắn bó với nhân dân. Đội ngũ ĐV những năm qua đã có bước phát triển về mọi mặt, chất lượng hoạt động các chi bộ thôn được phát huy và bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Song bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu một số chi, đảng bộ khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn hạn chế, nội dung sinh hoạt chưa thực sự đổi mới, công tác phát triển Đảng ở địa bàn dân cư và lực lượng dân quân còn gặp khó khăn.

Để tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của TCCSĐ nông thôn, miền núi, Huyện uỷ Ninh Sơn đã đề ra nhiều giải pháp sát hợp, trong đó xác định tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng các TCCSĐ và ĐV, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và công tác quản lý ĐV ở nông thôn, miền núi.

Đồng Chí Pi-Năng Hai, Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình (Bác Ái):

Thực hiện theo Đề án quy hoạch CB, Phước Bình đã có sự đổi mới ban đầu như tăng tỷ lệ CB nữ, dân tộc thiểu số; trẻ hóa dần đội ngũ CB và nâng lên trình độ học vấn, đa số có đủ điều kiện để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu nhiệm vụ. Nhìn chung đội ngũ CB có cơ cấu phù hợp về giới tính, dân tộc và độ tuổi, bố trí sắp xếp theo đúng sở trường. Tuy nhiên dù củng cố kiện toàn nhưng đội ngũ CB, công chức chưa thật sự mạnh, thể hiện ở năng lực chuyên môn, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm công việc của một số CB, công chức chưa cao. Vì vậy để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ xã Phước Bình, nhiệm vụ trọng tâm là phải trẻ hóa ĐV, đổi mới sinh hoạt chi bộ, làm tốt công tác quản lý ĐV và tiếp tục tạo điều kiện chuẩn hóa CB chuyên trách và không chuyên trách.