THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XI): "MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY"

Thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

(NTO) Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đó là làm tốt 3 yêu cầu trọng tâm của NQ: Chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và trách nhiệm người đứng đầu… Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, có nêu 6 nhóm vấn đề để thực hiện NQTW4.

Phạm vi bài viết này, tôi chỉ nêu thực hiện có hiệu quả nhóm thứ 2 – đó là vấn đề tự phê bình và phê bình. Đây là vấn đề rất hệ trọng, bởi vì mọi cán bộ, đảng viên từ cấp trên đến cơ sở; các tổ chức Đảng, ai cũng tự giác thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc 3 yêu cầu trọng tâm trên, thấy đúng thực chất những ưu điểm và các khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa và phát huy các ưu điểm, làm cho mọi cán bộ, đảng viên không ngừng tiến bộ; các tổ chức Đảng cũng được tăng cường thêm sức chiến đấu và uy tín ngày càng cao.

Để thực hiện yêu cầu trên có hiệu quả, yêu cầu các cấp ủy đảng phải có kế hoạch cụ thể và chuẩn bị kỹ về các mặt, nhất là việc tổ chức học tập NQTW4, nắm vững các mục đích, yêu cầu nhằm bảo đảm việc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình được tiến hành một cách nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, đạt hiệu quả thiết thực, thực chất, tránh tình trạng làm chiếu lệ, “đánh trống bỏ dùi” hoặc tránh lợi dụng phê bình để đấu đá, hạ bệ nhau… vì động cơ không trong sáng. Để làm tốt và có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình lần này khắc phục cho được bệnh “nể nang”, chính nó làm hạn chế kết quả việc tự phê bình và phê bình. Cấp dưới nể cấp trên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thấy thiếu sót, khuyết điểm nhưng e dè không dám phê bình một cách thẳng thắn, nói lên đúng sự thật; nếu có phê bình thì lựa lời, chọn ý, nói xa, nói gần, nêu “5 ưu, 3 khuyết” cho phải “đạo”, không mếch lòng ai, được lòng cấp trên. Có đồng chí nghĩ rằng, nếu phê bình đúng sự thật liệu cấp trên có tự giác tiếp thu một cách chân thật hay “cứ đợi đấy” sẽ tính sau (!) Đối với đồng cấp, ngày nào cũng gặp mặt, cùng sinh hoạt, nay phê bình một cách nghiêm túc, e còn có giữ được hòa khí anh em, nếu có phê bình thì cũng chiếu lệ “dễ người, dễ ta” nên chưa chân thật từ đáy lòng mình. Chính vướng cái bệnh nể nang, làm hạn chế kết quả việc tự phê bình và phê bình, nhưng đằng sau việc nể nang ấy có sự tính toán thiệt, hơn trên bước đường phấn đấu của mình. Đồng thời, do việc tự phê bình và phê bình không chân thật ấy làm cho đồng chí mình (kể cả cấp trên) không thấy đúng bản chất những thiếu sót của chính mình để có hướng khắc phục- mà làm cho họ chủ quan, cho mình là quá hoàn hảo, không tích cực tu dưỡng, rèn luyện để vươn lên và tạo sức ỳ. Mặt khác, do việc tự phê bình và phê bình không nghiêm túc ấy, tưởng chừng nhìn bên ngoài cơ quan, đơn vị thấy không có gì nổi cộm, im ắng, phẳng lặng như “nước hồ thu” nhưng khi đụng chạm lợi ích cá nhân thì các “đợt sóng ngầm” sẽ nổi lên; đưa lại hậu quả khôn lường.

Đối với cán bộ, đảng viên (kể cả người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo nội dung kiểm điểm, liên hệ theo chức trách được giao tự phê bình một cách thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, dám nói sự thật, dân chủ, nghiêm túc, chân thành gắn với việc thực hiện những điều đảng viên không được làm do Trung ương quy định. Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp thu những ý kiến phê bình của cấp dưới với tinh thần “thực sự cầu thị”, không được “trù úm” hoặc thành kiến tìm cách đối phó. Bản thân người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải làm gương tự phê bình nghiêm túc, để cấp dưới mạnh dạn góp ý.

Người cán bộ, đảng viên cần nhớ, Lê-nin (lãnh tụ của giai cấp vô sản) đã nói: “Chỉ có người không làm gì mới không bao giờ sai…”.

Bác Hồ: “Người đời không phải là thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm…”.

Nhưng giá trị đích thực của con người khác nhau ở chỗ, khi nhận ra sai lầm, khuyết điểm của mình thì xử sự như thế nào cho đúng. Đó là không che giấu khuyết điểm mà thẳng thắn nhận ra khuyết điểm của mình và cương quyết khắc phục. Nhận ra khuyết điểm đã khó, nhưng dũng cảm sửa chữa khuyết điểm lại càng khó, nhưng người cán bộ, đảng viên phải có dũng khí vượt qua mọi tính toán cá nhân, để tự hoàn thiện nhân cách của mình hơn, tự trang bị cho mình những tố chất mạnh mẽ có sức đề kháng hiệu quả trước những cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân.

Yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng là để thống nhất tư tưởng, hành động, làm cho Đảng trong sạch, nâng cao sức chiến đấu, làm tròn sứ mệnh cao cả của dân tộc giao phó; thực hiện: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nếu làm tốt việc tự phê bình, phê bình sẽ giúp cho các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xem xét, sàng lọc và chủ động xây dựng một đội ngũ cán bộ đáp ứng cho cả hệ thống chính trị.