Ninh Phước là địa phương có đông người Chăm nhất trong cả nước, sống tập trung chủ yếu ở 20 thôn, khu phố của 7 xã, thị trấn: Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hải, Phước Dân, Phước Thuận, An Hải. Trong 7 xã, thị trấn có người Chăm sinh sống được lập thành 7 đảng bộ, có 113 chi bộ trực thuộc, trong đó 98 chi bộ độc lập và 5 chi bộ ghép.
Tạp chí Xây dựng Đảng làm việc tại xã Phước Hậu, Ninh Phước
Những năm qua, các cấp ủy luôn quan tâm công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong thôn, khu phố có đông đồng bào Chăm sinh sống, gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Sau kỳ đại hội đảng bộ các cấp, các đảng bộ xã đều xây dựng quy chế làm việc, ban hành các nghị quyết, đề ra chương trình hành động, kế hoạch sát với đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương. Các cấp uỷ coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể từng đảng viên và chú trọng phát triển đảng viên. Nhiều cấp uỷ đã cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt định kỳ hằng tháng, các chi bộ đều gắn nội dung sinh hoạt với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đa số các chi bộ xây dựng được chuẩn mực đạo đức phù hợp với địa phương, đơn vị.
Các cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế. Đến nay, kinh tế ở thôn, khu phố đông đồng bào Chăm sinh sống có chuyển biến tích cực. Hằng năm tổng diện tích gieo trồng tăng, trong đó có 2.910ha lúa, 833ha màu và trên 300ha các loại cây trồng khác. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, có hiệu quả cao như “1 phải, 5 giảm” của xã Phước Hậu (phải sử dụng giống thuần chủng, giảm lượng giống, phân, nước, thuốc trừ sâu, thất thoát; vì trước đây bà con dùng quá mức cần thiết, hiệu quả thấp); chương trình cùng nông dân ra đồng xã Phước Thái; sản xuất lúa nguyên chủng tại xã Phước Thái, Phước Hữu; mô hình “tưới tiết kiệm” rau an toàn xã An Hải, nuôi heo nái, heo thịt tại xã Phước Thái; nuôi dê, cừu của nông dân các xã Phước Thuận, Phước Hậu và thị trấn Phước Dân... Có 25 trang trại với trên 2.640 con gia súc (dê, cừu, bò...) tập trung tại các xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu...
Một số cấp uỷ địa phương đã coi trọng lãnh đạo xây dựng mô hình và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Hiện có hợp tác xã dịch vụ Hữu Đức (Phước Hữu) với phương pháp, cách làm hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho 2.936 xã viên, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng 3. Mô hình hợp tác xã làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã khôi phục và phát triển dệt thổ cẩm, đồ gốm với số vốn gần 30 tỷ đồng.
Nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đến nay 100% thôn, khu phố có nước sạch, vệ sinh môi trường đạt trên 85% hộ; hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn đều được quan tâm đầu tư. Giáo dục có nhiều chuyển biến, trường học được xây dựng khang trang, các xã đều có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và 3 trường THPT. Tỷ lệ học sinh là người Chăm và các dân tộc đến lớp mẫu giáo đạt 79%, tiểu học đạt 98%, THCS đạt 99%. Học sinh con em đồng bào Chăm ngoài chữ phổ thông còn học chữ Chăm, hiện có 14 trường tiểu học dạy chữ Chăm với 4.700 học sinh tham gia. Tổng số giáo viên người Chăm 606 người, đến nay có 7/7 xã, thị trấn người Chăm được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập THCS. Phong trào khuyến học, khuyến tài trong người Chăm phát triển mạnh, có 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng, nhiều dòng họ có thành tích tốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Lĩnh vực y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh người dân. Toàn huyện có 129 bác, y sĩ, y tá là người Chăm, chiếm 60% đội ngũ y bác sĩ toàn huyện, mỗi xã có từ 5 đến 7 bác sĩ, y sĩ... có 3/7 trạm y tế xã người Chăm có bác sĩ, có 4/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, công tác khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng đạt kết quả tốt…
Bên cạnh kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy còn lúng túng, bị động, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở; một số chi bộ hoạt động chưa mạnh, chưa chú trọng nội dung sinh hoạt, có nơi vẫn còn đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng…
Từ thực tiễn xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức đảng ở nơi có đồng bào Chăm sinh sống, rút ra một số kinh nghiệm:
Luôn tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là người Chăm.
Phát huy vai trò của các cấp uỷ đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong đồng bào Chăm. Các tổ chức đảng chỉ đạo tích cực đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc và nhu cầu chính đáng của nhân dân các dân tộc.
Phát huy dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt của đảng ủy, các chi bộ, thực hiện nghiêm tinh thần phê bình và tự phê bình, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở là người Chăm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tăng cường công tác dân vận các xã thuộc vùng đồng bào Chăm. Coi trọng xây dựng đoàn kết và thu hút các tầng lớp nhân dân, nhất là các già làng, trưởng tộc trong các phong trào thi đua yêu nước, sản xuất, kinh doanh; trong việc tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng