Thận trọng với giấy... mời nhập học

Khi các trường ĐH lớn “bận rộn” công bố điểm chuẩn trúng tuyển thì trước đó, nhiều trường top dưới, trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề đã âm thầm gửi giấy mời nhập học cho thí sinh.

“Ngập” trong giấy mời nhập học

Chưa hết hoang mang vì thông tin trượt ĐH Kinh tế Quốc dân, em Lê Trường An (Hữu Hoà, Thanh Trì, Hà Nội) đã nhận được rất nhiều giấy mời nhập học. Điều lạ là không có trường nào trong số đó em từng thi hay nộp hồ sơ đăng ký dự thi cả.

Học nghề cũng là một lựa chọn tốt cho các thí sinh không trúng tuyển đại học.

Một trong số giấy báo nhập học Giang nhận được từ Trường Aptech (Hà Nội). Trường này cho biết thời gian nhập học hết ngày 10.8 và sẽ khai giảng vào 18.8. Thủ tục nhập học khá đơn giản: Không cần học bạ hay giấy báo điểm, chỉ cần mang theo thư mời nhập học, sơ yếu lý lịch và 2 ảnh. Giấy này cũng thông báo luôn về mức học phí khi nhập học là gần 3 triệu đồng và chi phí trọn gói 3 năm học là hơn 45 triệu đồng.

Còn em Nguyễn Kiều Trang (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cũng đã nhận được 5 – 6 giấy báo trúng tuyển, giấy mời nhập học, thông báo tuyển sinh, tờ rơi quảng cáo của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và cả các trung tâm đào tạo tin học… trước cả khi biết tin trượt ĐH.

Trang cho biết: “Chỉ có giấy báo của Trường ĐH Công nghệ Đông Á ghi thông tin có liên kết đào tạo liên thông lên ĐH chính quy với Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Thăng Long, còn lại các giấy mời học khác thông tin về chuyên ngành đào tạo và trình độ đào tạo rất mập mờ. Vì vậy, em rất bối rối, không biết có nên chọn bừa một trường để đi học không?”.

Mặc dù các trường này đều giải thích đó chỉ là một hình thức quảng bá tên tuổi của trường cho TS biết đến chứ không ép thí sinh nhập học, nhưng những thông tin này đã khiến không ít TS hoang mang.

Coi chừng bị lừa

Theo TS Lê Thanh Mai – Phó Trưởng ban ĐH và sau ĐH của Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Các em không nên có tâm lý chờ thi lại năm sau. Nên chọn ngành gần giống ngành mình thi ở các trường khác, học liên thông, học nghề cũng là một trong những phương pháp lựa chọn để đi đến đích”. Tuy nhiên, TS Mai cũng khuyên, TS nên thận trọng trước những cơ hội trúng tuyển một cách quá dễ dàng. Có rất nhiều cơ hội cho TS trượt ĐH, thậm chí chưa thi ĐH, nhưng TS nên tìm hiểu nguồn thông tin chính thống trực tiếp từ các trường.

“Rất nhiều trường đang chạy đua để giành TS. Để không trở thành “con mồi” cho các trường thiếu uy tín, TS nên dựa vào khả năng và điều kiện của mình để chọn trường và nghề phù hợp”.

Cũng theo thông tin từ Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh năm nay cả nước còn tới 300.000 chỉ tiêu đào tạo hệ TCCN, CĐ và trung cấp nghề. Rất nhiều trường trong số này không thi tuyển mà chỉ xét tuyển học bạ hoặc nhận điểm chuẩn dưới sàn, trong đó có một số hệ đào tạo của các trường ĐH lớn.

Cụ thể, tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.Hồ Chí Minh (HUTECH), ông Bùi Xuân Lâm – Phó Hiệu trưởng cho biết: Trường có xây dựng chương trình CĐ thực hành thời gian đào tạo 2,5 năm, xét tuyển cả những TS dưới điểm sàn hoặc chỉ bằng học bạ THPT. Cũng theo ông Lâm, các em học hệ này có thể học liên thông lên ĐH trong vòng 1,5 năm nếu muốn.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng tuyển 4.000 – 5.000 chỉ tiêu cho 14 ngành bậc trung cấp. Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội cũng đã bán ra 1.600 hồ sơ tuyển sinh cho năm học mới. Ông Đỗ Văn Trường – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường chúng tôi được coi là trường con của Trường ĐH Bách khoa nên có uy tín nhiều năm và được nhiều TS quan tâm”. Bên cạnh đó, còn rất nhiều chỉ tiêu của các trường trung cấp nghề đang rộng cửa chờ TS…

Nguồn danviet.vn