Phòng chống sốt xuất huyết

(NTO) Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền, đây là bệnh dịch lưu hành địa phương, phổ biến và phát triển nhiều nhất vào các tháng mưa từ tháng 7 - 10.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và đánh giá đúng giai đoạn bệnh giúp điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

1. Giai đoạn sốt

- Sốt cao đột ngột, liên tục khoảng 3 ngày, khó giảm sốt với thuốc hạ nhiệt thông thường. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da xung huyết. Đau cơ, đau khớp. Nghiệm pháp dây thắt dương tính. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

2. Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 -7 của bệnh

Trẻ có thể hết sốt, tỉnh táo dần, ăn được, lại sức dần, nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ vì có thể diễn biến nặng đột ngột:

Người bệnh đột ngột giảm sốt.

Có thể có các biểu hiện sau:

- Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch gây tràn dịch màng phổi làm khó thở, bụng to, gan to, đau. Nếu nặng sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được, tiểu ít.

- Xuất huyết dưới da dạng chấm, thẫm màu, ấn không tan thường rải rác hoặc mảng bầm tím ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn. Chảy máu mũi, lợi răng, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo. Xuất huyết nội tạng như đường tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện rất nặng.

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Tử vong có thể xảy ra ở giai đoạn này, dù có điều trị tích cực.

3. Giai đoạn hồi phục

Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt dần lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều. Thường lại sức khoảng 7 ngày.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

- Thực hiện chiến dịch “Tìm diệt lăng quăng, bọ gậy” vì không có lăng quăng thì sẽ không có sốt xuất huyết.

- Mọi người, mọi nhà thực hiện vệ sinh môi trường: lấp các ổ nước đọng, phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn sạch các ổ rác tồn lưu trong khu dân cư;

- Ban chỉ đạo mùa hè xã, phường phối hợp với nhà trường có kế họach hướng dẫn các em học sinh dọn dẹp các ổ nước đọng sinh lăng quăng trong gia đình và nơi công cộng;

- Lưu ý các nơi muỗi có thể đẻ lăng quăng: lọ nước cắm hoa, vật chứa nước không sử dụng, vật chứa nước dùng không có nắp đậy kín, các nơi nước đọng trong nhà. Các vật có thể chứa nước ở ngoài nhà như lu, chậu, chai, lọ cần dọn dẹp sạch, khô ráo;

- Khi tìm lăng quăng nên dùng đèn pin nhỏ chiếu vào vật đựng nước mới có thể phát hiện được.

- Tuyên truyền trên loa đài địa phương hàng tuần, những khu vực là ổ dịch cũ cần cử cán bộ đến tận nơi tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình và hướng dẫn cách tìm diệt lăng quăng.