Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2012. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Chuyển biến đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra
Các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội trong 7 tháng đầu năm chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra.
Các giải pháp kiềm chế lạm và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm và có trị số âm (-) trong 2 tháng qua. So với tháng trước, CPI tháng 6 giảm (-) 0,26%, tháng 7 giảm (-) 0,29%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2,22% so với tháng 12/2011 và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của nhiều năm trước.
Thời gian qua, nhiều biện pháp đã được áp dụng nhằm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực rà soát, đánh giá dư nợ các khoản cho vay cũ để xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm kể từ ngày 15/7/2012. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-16%/năm.
Thị trường ngoại hối tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện. Tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường cơ bản ổn định. Nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào do xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu tăng chậm và nhu cầu đồng nội tệ đang mạnh lên nhờ việc giảm lãi suất.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 62,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 63 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 7 tháng đầu năm khoảng 58 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã dần phát huy tác dụng.
Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, cả nước đã thực hiện gia hạn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4, 5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt doanh nghiệp, với tổng số thuế xấp xỉ 10.000 tỷ đồng; giải quyết gia hạn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoảng 8.260 doanh nghiệp, với tổng số thuế 347,5 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho hơn 3 nghìn doanh nghiệp với tổng số tiền 339 tỷ đồng; giải quyết miễn thuế môn bài cho hơn 40.000 hộ đánh bắt hải sản.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7/2012, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Tính đến giữa tháng 7/2012, cả nước gieo cấy được trên 961 nghìn ha lúa mùa, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thuỷ sản 7 tháng đầu năm tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm ước tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2011. Hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi động với 3,83 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, văn hoá và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục có chuyển biến. Trong 7 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm cho trên 825 nghìn người, đạt 54,5% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Trong 7 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,1%, số người chết giảm 17,6% và số người bị thương giảm 27,6%.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành; khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng;…
Đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn về vốn
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Chiều hướng chung là sẽ tiếp tục có những chuyển biến tốt hơn, nhất là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng khó khăn, thách thức còn rất lớn, trong đó nổi lên là tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt thấp…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần đặc biệt quan tâm tới khó khăn về vốn, xây dựng mặt bằng
lãi suất phù hợp với tình hình thực tế. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, những tháng cuối năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương phải bám sát tình hình, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra từ đầu năm; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kiên định mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cho năm 2012 và những năm tiếp theo; từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trên tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới khó khăn về vốn, xây dựng mặt bằng lãi suất phù hợp với tình hình thực tế, đưa tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…
“Ngân hàng phải cùng với doanh nghiệp thực sự bắt tay, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn về vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Cùng với đó, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; thực hiện quyết liệt các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát, xử lý nghiêm nạn buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng trưởng phải đi đôi với kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Thúc đẩy và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, song thực sự phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như không làm lạm phát cao trở lại.
Liên quan đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khẩn trương cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu bằng nhiều biện pháp đồng bộ gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra; công bố công khai nợ xấu, danh sách các ngân hàng thương mại yếu kém; giữ vững sự ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình của Đề án đã được duyệt; thực hiện điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khoá hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm cải thiện tổng cầu của nền kinh tế và đảm bảo lạm phát ở mức hợp lý. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu để đảm bảo giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương rà soát, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề chính của doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn ODA, vốn ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt lưu ý tới công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; quan tâm thoả đáng đến chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong mùa mưa bão.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; dự thảo Đề án phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp.
Nguồn www.chinhphu.vn