Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2012.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện.
Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 7/2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt đạt 9,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 7/2012 xuất siêu 100 triệu USD.
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.327,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,25 tỷ USD, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Vốn ODA giải ngân ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã giải đáp các vấn đề nóng mà báo chí đặt ra.
Không thể nói nền kinh tế rơi vào suy giảm
Phóng viên báo Dân Trí đặt câu hỏi về quan điểm của Chính phủ trước nhận định nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào suy giảm và cần kích cầu, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm âm tháng thứ hai liên tiếp.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, theo thông lệ, nền kinh tế được coi là rơi vào suy giảm khi GDP âm liên tiếp trong 2 quý. Nhưng GDP của Việt Nam trong các quý thời gian qua đều tăng trưởng dương dù có thấp hơn các năm trước và so với kế hoạch và so với các nền kinh tế khác trên thế giới vẫn thuộc loại khá cao. Như vậy, GDP tăng chậm lại không có nghĩa là nền kinh tế rơi vào suy giảm.
Tương tự như vậy đối với khái niệm giảm phát. Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2011 đã bàn rất kỹ, rất sâu, rất toàn diện về lạm phát. Bộ trưởng Vũ Đức Đam chỉ rõ, mặc dù CPI tháng 6 và tháng 7 đều âm nhưng nếu chúng ta loại bỏ năng lượng và lương thực - 2 nhóm mặt hàng phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài và vào mùa màng, không phụ thuộc bản chất tài chính tiền tệ của nền kinh tế - ra khỏi rổ hàng hóa tính CPI theo như thông lệ, thì “lạm phát lõi” vẫn là dương trong 2 tháng qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2012, Chính phủ đã bàn rất kỹ vấn đề này và nhận định CPI tháng 8 dự kiến sẽ tiếp tục âm, nếu tính cả mặt hàng lương thực và năng lượng. Từ nay đến cuối năm, nếu không có những biện pháp điều hành đặc biệt, rất nhiều khả năng CPI tăng không quá 7%.
Bộ trưởng nói: “Ta cần phải cân nhắc để đảm bảo vừa kiềm chế được lạm phát vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý. Không nên quên rằng, phần nhiều các nền kinh tế đang phát triển đều có lạm phát dương, nhưng 7% vẫn là mức rất cao”.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, doanh nghiệp muốn phát triển tốt thì kinh tế vĩ mô phải ổn định. Trong một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng như Việt Nam, các ngân hàng phải có nguồn vốn dồi dào, với lãi suất thấp và ổn định, nghĩa là lạm phát phải thấp để lãi suất huy động thực dương.
Do đó, việc điều hành cho lạm phát năm nay ở mức 7% và ở mức thấp hơn nữa trong năm 2013 là điều kiện hết sức cần thiết để kinh tế vĩ mô có thể ổn định lâu dài, đây cũng là điều nhân dân và doanh nghiệp trông đợi, kỳ vọng Chính phủ. Bộ trưởng nhấn mạnh, không thể điều hành không theo cách giật cục để lạm phát lên rất cao, siết lại rồi kích cầu và lạm phát trở lại.
Hiện, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng đây là cơ hội để tái cơ cấu kinh tế, để môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong nhiều năm.
Các tổ chức quốc tế có lý khi lạc quan về Việt Nam
Cũng về vấn đề kinh tế vĩ mô, phóng viên Vietnam Investment Review đặt câu hỏi tại sao một số tổ chức quốc tế, ngân hàng của nước ngoài như Standard Chartered, HSBC vẫn nhìn nền kinh tế Việt Nam với con mắt lạc quan, trong khi chúng ta cho rằng nền kinh tế Việt Nam còn khó khăn. Đặt mình là một chuyên gia kinh tế nước ngoài, theo Bộ trưởng, tại sao họ lại lạc quan như vậy, phóng viên đưa ra câu hỏi với Bộ trưởng.
Các phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Nói rằng câu hỏi này rất thú vị, nhưng cũng rất khó trả lời, “vì thứ nhất tôi không phải người nước ngoài, thứ hai tôi không phải là một chuyên gia kinh tế”, ông trả lời phóng viên với một chút hài hước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, chưa thể hài lòng với những gì đạt được, nhưng nhìn nhận một cách khách quan trên bình diện chung của thế giới và khu vực, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối tốt về tăng trưởng.
Theo ông, một trong những lý do khiến các tổ chức tài chính quốc tế cũng như nhiều chính khách đánh giá tốt về triển vọng kinh tế Việt Nam là trong chỉ đạo, điều hành kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã có những bước đi rất căn bản. Chính phủ phân tích tình hình vĩ mô rất kỹ, điều hành theo hướng không để mục tiêu ngắn hạn ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô dài hạn, với những giải pháp được các chuyên gia kinh tế nước ngoài đồng tình.
Thậm chí, có những nhà đầu tư đánh giá rằng nếu chúng ta tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành, thì trong vòng 2-3 năm tới, rất có thể sẽ có làn sóng đầu tư mới rất lớn vào Việt Nam.
Đầu tư công hoàn toàn nằm trong kế hoạch
Trước lo ngại của báo chí về lạm phát tăng cao trở lại do việc đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, do lạm phát trong những tháng đầu năm là thấp nên chúng ta có dư địa điều hành rất lớn trong nửa cuối năm để thúc đẩy sản xuất. Một trong những dư địa đó là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và có thể đạt trên 20.000 tỷ đồng mỗi tháng trong nửa cuối năm.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, tổng số vốn đầu tư công năm 2012 đã được duyệt theo kế hoạch từ đầu năm, gồm khoảng 180.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu.
Bộ trưởng khẳng định, việc đẩy mạnh đầu tư trong những tháng cuối năm hoàn toàn nằm trong kế hoạch, không làm tăng tổng phương tiện thanh toán, do đó không sợ lạm phát quay trở lại.
Lý giải tốc độ giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt thấp trong nửa đầu năm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, phân bổ vốn luôn chậm trong quý I và nhanh hơn từ quý II là hiện tượng phổ biến nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phân bổ trong năm 2012 chậm hơn so với các năm trước còn do đổi mới cách thức phân bổ vốn theo trung hạn, không phải theo năm như trước kia.
Một lý do khác, quan trọng hơn, là Chính phủ chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư công theo hướng rà soát lại tất cả các dự án, các công trình, đồng thời kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách.
Việc đẩy mạnh đầu tư trong những tháng cuối năm “không phải là gói kích cầu hay tháo khoán” như một số ý kiến, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, với một số công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống dân sinh và sản xuất, để có thể hoàn thành ngay trong năm 2012 hoặc đầu năm 2013, Chính phủ yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ và có thể ứng trước một khoản vốn của năm 2013. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây cũng là một khía cạnh của tái cơ cấu đầu tư công, “tái cơ cấu đầu tư công không có nghĩa là chỉ có giãn tiến độ hay cắt công trình”.
Về số vốn ứng trước của năm 2013, Bộ trưởng nêu rõ, phải tính toán thật kỹ lưỡng và đầy đủ để không tác động quá lớn tới CPI, không làm cho lạm phát quay trở lại, không đẩy lạm phát lên cao hơn mức đã dự kiến. Với số vốn ứng trước khoảng 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ dự liệu, vẫn đảm bảo được kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm, việc đẩy mạnh đầu tư công là một giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Khi đầu tư công được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm, nợ doanh nghiệp sẽ được giải quyết một phần và doanh nghiệp có điều kiện được vay mới với lãi suất tốt hơn.
Cứu doanh nghiệp không chỉ bằng tiền
Phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam hỏi về hướng đi của nền kinh tế những tháng cuối năm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định bên cạnh việc hỗ trợ vốn, giãn nợ thuế, giảm thuế… cho doanh nghiệp thì quan trọng hơn nữa là những giải pháp không thể đo bằng bao nhiêu nghìn tỷ đồng. Đó là đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm của bộ máy hành chính với doanh nghiệp.
Chúng ta nói nhiều về cải cách hành chính nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Với các doanh nghiệp, các vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng, vốn là rất cốt lõi và Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận trong thời gian qua, đúng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng chậm lại, số doanh nghiệp giải thể tăng lên, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động so với tổng số đăng ký vẫn ở mức khả quan. Hiện trên 70% doanh nghiệp đã đăng ký có hoạt động, có mã số thuế. Và cách đây 2 tháng, Chính phủ đã giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng được một hệ thống thông tin về doanh nghiệp chứ không chỉ điều tra theo tháng, theo năm như trước đây. Số liệu về doanh nghiệp được công bố là số liệu xác thực, có căn cứ cụ thể.
“Nhưng cũng phải thừa nhận, các doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản là có quy mô rất nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Chỉ số xuất khẩu trong những tháng vừa qua vẫn tăng rất ấn tượng, trên 20%, tức là cao hơn kết hoạch và là mơ ước của mọi nền kinh tế, nhưng tăng chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam có khi còn giảm”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Phóng viên hãng tin Bloomberg muốn biết về các giải pháp xử lý vấn đề nợ xấu trong ngân hàng để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua, không chỉ có một mà nhiều biện pháp để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đã được triển khai, cả từ những biện pháp mang tính hành chính đến những biện pháp mang tính kinh tế, và cả kêu gọi các ngân hàng thương mại chung tay chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp sản xuất. Bởi nếu không tháo gỡ được khó cho doanh nghiệp thì vấn đề của doanh nghiệp cũng sẽ là vấn đề của ngân hàng.
Liên quan đến việc giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ xuống mức tối đa 15%/năm ,Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 27/7, tất cả các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đã có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống rà soát các khoản cho vay cũ và tiến hành giảm lãi suất về tối đa 15%/năm. Tỷ trọng của các khoản dư nợ cho vay có lãi suất trên 15% đã giảm 50% so với trước ngày 15/7.
"Tôi đã đọc bài báo về một doanh nghiệp nói rất kỹ về công ty anh ta nợ ngân hàng nào, bao nhiêu tiền, và cơ cấu lại nợ với từng ngân hàng ra sao, như vậy là rất tốt. Chỉ có bằng giải pháp như vậy, chỉ có cách doanh nghiệp và ngân hàng cùng ngồi lại với nhau và trên quan điểm cùng trên một con thuyền thì chúng ta mới tháo gỡ được khó khăn này," Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói khi ông đề cập việc giải quyết nợ của doanh nghiệp.
Nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, lãi suất sẽ xuống, khó khăn của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ, những khoản vay cũ được giải quyết. Khi đầu tư công được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm, nợ doanh nghiệp sẽ được giải quyết một phần và doanh nghiệp có điều kiện được vay mới với lãi suất tốt hơn, đây là việc mà chúng ta phải làm liên tục, quyết liệt trong nhiều năm tới đây, ông nhấn mạnh.
Làm rõ quyền, trách nhiệm của Thủ tướng và Bộ trưởng với DNNN
Phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cung cấp thông tin về nội dung dự thảo Nghị định nói trên.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết dự thảo Nghị định có thời gian chuẩn bị dài, được bàn thảo rất nhiều lần từ năm 2009, trong đó tập trung vào việc bỏ cơ chế chủ quản, tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý doanh nghiệp...
Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo Luật này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhà nước do vai trò, nhiệm vụ và hoạt động đặc thù đã dẫn đến tình trạng một số khâu, một số việc trong một số doanh nghiệp Nhà nước quản lý không đủ chặt chẽ và đã có những sai phạm.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, dự thảo Nghị định này phân định rất rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ kinh tế tổng hợp (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội), Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với một số tập đoàn kinh tế lớn, chủ lực của Nhà nước, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ sẽ được tăng cường hơn. Với các tổng công ty, vai trò quản lý của Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành cũng xác định rõ rệt hơn...
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sau phiên họp Chính phủ lần này, dự thảo Nghị định sẽ được chỉnh sửa và thông tin rộng rãi, đầy đủ đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ máy phình, đầu tư hẹp
Trả lời câu hỏi về thông tin một xã ở Thanh Hóa có 500 cán bộ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 31/7/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng đã có ý kiến yêu cầu Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo sự việc.
Theo báo cáo của Thanh Hóa thì thông tin cho rằng xã Quang Vinh, huyện Quảng Xương có 500 cán bộ không đúng. Cụ thể, Báo cáo 4715/UBND-THKH ngày 9/7/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng số cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã Quang Vinh là 205 người.
Cụ thể, cán bộ, công chức cấp xã là 22 người, thấp hơn 3 người so với quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP; người hoạt động không chuyên trách có 18 người, thấp hơn 4 người so với quy định tại Nghị định 92; người hoạt động không chuyên trách ở thôn là 45 người (mỗi thôn 3 người để đảm nhận chức danh Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Công an viên); tổ an ninh thôn gồm 30 người; thôn đội trưởng có 15 người (mỗi thôn 1 người); trưởng các Chi hội, Đoàn thể ở thôn 75 người (mỗi thôn 5 người).
Từ sự việc này, tại cuộc họp báo, báo chí đặt câu hỏi về việc Chính phủ chỉ đạo xử lý tình trạng bộ máy cồng kềnh, tiêu tốn nhiều ngân sách như thế nào.
“Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một điều, dù số đó không phải 500 nhưng những cán bộ là công chức hành chính, những người được hưởng lương, hưởng phụ cấp ở một xã như vậy là rất nhiều”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói.
Hiện nay, số lượng công chức cấp xã đã được quy định rất rõ, tùy theo từng loại xã thì có bao nhiêu công chức. Ngoài ra, tùy điều kiện thực tiễn, đặc thù địa phương như số dân, diện tích thì có sự linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Tinh thần của Chính phủ là các cấp phải thực hiện nghiêm các quy định.
Vừa qua, Chính phủ bàn kỹ vấn đề này khi xây dựng Đề án tiền lương. Một trong vấn đề rất lớn là số lượng công chức, người hưởng lương ở cấp cơ sở tăng nhanh do yêu cầu thực tiễn.
Điều đáng nói là tại nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức vẫn đề nghị tăng thêm định suất lương cho cơ sở.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam mong muốn người dân, đoàn thể chính trị xã hội, người hưởng lương, hưởng các định suất lương để thực hiện nhiệm vụ của đoàn thể, chính quyền cơ sở phải thấy rõ nền kinh tế của nước ta còn nghèo, ngân sách hạn hẹp.
“Nếu chúng ta tiếp tục phình bộ máy, tăng nhiều người hưởng lương từ ngân sách thì buộc phải giảm đầu tư để chi trả cho bộ máy”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu rõ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết thêm, mức tổng chi ngân sách đầu tư cho xây cơ bản thời gian qua đã giảm liên tục từ trên 30% xuống chỉ còn xấp xỉ 20%. Trong khi, mỗi năm nguồn vốn cho mục tiêu này chỉ vào khoảng 180.000 tỷ đồng. Các công trình đều thuộc hàng cần thiết, cấp bách. Số vốn đáng ra cần có phải lớn hơn nhiều.
Thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh mức giảm trừ theo giá cả
Tại họp báo, thông tin với báo chí về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Dự thảo có quy định mở khi giá cả thị trường biến động trên 20% sẽ điều điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Dự kiến, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 cuối năm 2012, do đó, Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo để tiến hành tổng kết Luật Thuế thu nhập cá nhân và thảo luận xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, nhân dân để hoàn chỉnh.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, 3 nội dung cơ bản trong Dự thảo là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh; sửa đổi bổ sung về phạm vi và đối tượng chịu thuế; sửa đổi, bổ sung về kỳ tính thuế và quyết toán thuế. Trong đó, nội dung được dư luận và người dân quan tâm nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh.
Theo đó, sau khi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến tham gia, Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng; đối với người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng.
Việc điều chỉnh này căn cứ vào các yếu tố như: tốc độ tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, chỉ số CPI trong thời gian qua và trong giai đoạn tới. Mặt khác, căn cứ vào mức tiền lương tối thiểu, Đề án cải cách tiền lương, kết quả thống kê về mức sống và thu nhập của dân cư. Đồng thời cũng dựa trên ý kiến của người dân và các bộ ngành, báo chí phản ánh trong thời gian qua…
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, điểm mới của Dự thảo lần này là có quy định mở khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả.
Với mức giảm trừ gia cảnh đề xuất như vậy so với thời điểm cuối năm 2011 thì hiện nay sẽ có 70% số người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương chuyển sang không phải nộp thuế. Tức là khoảng 2,6/3,8 triệu người đang nộp thuế thu nhập cá nhân (tính đến hết năm 2011) sẽ được miễn thuế. Tương ứng như vậy, 70% người nộp bậc trên sẽ chuyển xuống nộp ở bậc thấp hơn.
Dự kiến, với hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 thì tính tác động của Dự thảo Luật này cho thấy số thuế giảm so với chính sách hiện hành năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, với Dự thảo Luật này, cụ thể mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế có thu nhập 12,6 triệu đồng nuôi một người phụ thuộc chưa phải nộp thuế, nếu người có thu nhập 15 triệu đồng nuôi một người phụ thuộc chỉ phải nộp 120.000 đồng.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8412/BTC-QLG ngày 21/6/2012 giao cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được quyền quyết định giá theo biên độ và tần suất. Vừa qua doanh nghiệp đã thực hiện theo quy định này. Cơ chế này trao quyền quyết định giá cho DN nhưng phải tuân thủ theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ. DN được quyết định nhưng biên độ giá không vượt quá 7% theo quy định mỗi lần điều chỉnh, thời gian điều chỉnh giữa 2 lần tối thiểu là 10 ngày. Trong trường hợp cần thiết Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ có biện pháp như về giá, thuế, quỹ bình ổn giá… để điều hành.
Kiểm tra việc mua bán, kinh doanh trên mạng
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đối vời việc mua bán hàng qua mạng và đa cấp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, cho biết từ ngày 12/7/2012, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ đã khuyến cáo cho đông đảo người dân, doanh nghiệp không nên tham gia vào các lời mời chào, mua bán tại các gian hàng ảo trên mạng. Hình thức này vừa vận dụng hình thức thương mại điện tử vừa vận dùng hình thức kinh doanh mua hàng đa cấp.
Đặc biệt, qua vụ việc Hiệp hội Thương mại Điện tử khai trừ trang muaban24, Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát loại hình quảng cáo và hoạt động mua bán trên mạng.
Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thương mại điện tử, lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Dự kiến quý IV/2012, sẽ tiến hành xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp sau đó trình Chính phủ để ban hành theo chương trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo sẽ tăng cường các hình thức kiểm tra giám sát, đưa ra các điều kiện chặt chẽ để hạn chế hành vi kinh doanh qua mạng và bán hàng đa cấp.
Nguồn www.chinhphu.vn