Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2012.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, nhiều thành viên Chính phủ nêu quan điểm cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng; ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh; tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và các thị trường đang có triển vọng phục hồi.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong nông nghiệp, vấn đề lớn đang nổi lên là giá cả một số mặt hàng giảm xuống do thị trường thế giới và trong nước có suy giảm… Vì vậy, hai Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung vào xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nhất là thị trường xuất khẩu. Trong hoạt động xuất khẩu hàng nông, thuỷ sản cần hết sức quan tâm tới kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn đối với hàng hoá xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là đối với những thị trường khó tính nhằm tránh thiệt hại kinh tế.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Chính phủ sớm có quyết sách để hỗ trợ người nuôi cá tra, gia cầm trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho hay, hiện Bộ đang tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong đó có phối hợp với ngân hàng để xử lý nợ cho nông dân.
Bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu việc hỗ trợ lãi suất phải xác định rõ: hỗ trợ mặt hàng nào, lĩnh vực nào; phải đảm bảo được tính thiết thực, hiệu quả; không làm tràn lan, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm...
Nêu rõ quan điểm cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng cần thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn việc hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, tới thời điểm hiện tại, nợ xấu của ngân hàng khoảng 8,6%. Đây là con số mà Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ cơ sở khách quan và khoa học để chứng minh. Hầu hết các khoản nợ xấu đều được bảo đảm bằng tài sản.
Việc xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xử lý tích cực, khẩn trương với những giải pháp khả thi, đảm bảo tính an toàn của toàn hệ thống ngân hàng. Nợ xấu cũng không phải là những khoản nợ mất trắng mà nên hiểu theo thuật ngữ quốc tế thường dùng đó là những khoản nợ không sinh lời, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề xã hội quan tâm, đồng thời đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí khi thông tin về các nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng trong đó có vấn đề về nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng… thực sự khách quan, trung thực, tránh thông tin phiến diện, một chiều, thiếu cơ sở, gây bất lợi cho nền kinh tế.
Nhận định bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, kinh tế còn khó khăn, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh đề nghị cần tiếp tục điều hành theo lạm phát mục tiêu, giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; tăng tín dụng cho nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thực hiện mục tiêu kép là vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Đồng thời, quan tâm tổ chức lại các kênh thu mua, tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt là nông, thuỷ sản, tránh có quá nhiều các khâu trung gian, gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và một số thành viên Chính phủ đề xuất việc tăng cường các biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để khơi thông dòng vốn, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng; đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội nhất là nhà cho công nhân, cho sinh viên, các hộ nghèo.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, thời gian qua công tác an sinh xã hội, cải cách hành chính được thực hiện sâu rộng và đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, công tác thông tin cũng được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng và gần đây nhất, chuyên mục “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; quản lý chặt tài nguyên khoáng sản quốc gia; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước.
Nguồn www.chinhphu.vn