Viêm gan gần hơn bạn tưởng

Đây là thông điệp của Văn phòng quốc gia Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ hai Ngày Phòng chống viêm gan thế giới (28-7).

Theo đánh giá của các chuyên gia từ Văn phòng quốc gia WHO tại Việt Nam, bệnh viêm gan B và C đã gây nên những gánh nặng bệnh tật đáng kể cho người dân Việt Nam.

Trên toàn cầu, khoảng 500 triệu người, hoặc nói cách khác cứ 12 người thì có 1 người – nhiễm virus viêm gan B hoặc viêm gan C. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% các trường hợp ung thư gan do nhiễm vi rút viêm gan B hoặc C. Viêm gan B và C cũng lấy đi sinh mạng của khoảng một triệu người mỗi năm.

Ở Việt Nam, ước tính khoảng 8 triệu người bị nhiễm virus viêm gan B hoặc C và ung thư gan là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở nam giới.

Ngày Phòng chống Viêm gan Thế giới được khởi xướng hai năm trước đây như một cơ hội để nâng cao nhận thức về các loại viêm gan. Theo Tiến sỹ Shin Young-Soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao tại khu vực Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là viêm gan B và C, chúng ta cần phải có những hành động tập trung phối hợp, bao gồm phòng ngừa, sàng lọc và điều trị những người nhiễm bệnh.

Viêm gan do virus thường là phòng ngừa được và có thể điều trị được hoặc chữa khỏi. Nếu biết được tình trạng của mình, những người có nguy cơ mắc viêm gan B và C mãn tính có thể tự bảo vệ bản thân và những người khác.

Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng viêm gan B đã được thực hiện trong mười năm qua. Năm 2011, 55% trẻ sơ sinh đã được tiêm phòng viêm gan B ngay sau khi sinh, và tỷ lệ tiêm ba mũi bổ sung đạt 95%. Việc này đã làm giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em 5 tuổi tại Việt Nam xuống còn 2%, theo một cuộc điều tra năm 2011.

Văn phòng quốc gia WHO tại Việt Nam khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm một liều vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và ba liều bổ sung lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo lịch tiêm chủng. Những liều vaccine này làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh viêm gan mãn tính trong cuộc đời của trẻ về sau.

Theo Văn phòng quốc gia WHO tại Việt Nam những người tiêm chích ma túy có tỷ lệ nhiễm viêm gan C rất cao tới 98,5%. Do vậy, giảm nguy cơ nhiễm viêm gan C đòi hỏi phải tránh sử dụng bơm kim tiêm và các sản phẩm máu không an toàn. Việc nâng cao chất lượng thực hành trong truyền máu và chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện và các chương trình giảm tác hại được áp dụng trong dự phòng nhiễm HIV cho người tiêm chích ma túy, như việc phân phát bơm kim tiêm và bao cao su, cũng rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây truyền viêm gan C.

Nhân ngày Ngày Phòng chống viêm gan thế giới, ngày 27-7, WHO cũng đã ra mắt khung hành động toàn cầu mới nhằm ngăn chặn và kiểm soát lây nhiễm vi rút viêm gan.

WHO kêu gọi các quốc gia và các đối tác xây dựng các chiến lược mục tiêu có hiệu quả nhằm ứng phó với các thách thức của bệnh viêm gan và nâng cao nhận thức về căn bệnh tiềm ẩn này. Các cá nhân cần được thông tin về các yếu tố nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

WHO hiện đang xây dựng hướng dẫn mới về sàng lọc, chăm sóc và điều trị nhiễm vi rút viêm gan B và C mãn tính và hỗ trợ các quốc gia để người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với việc điều trị và với chi phí thấp hơn.

Viêm gan do virus là tình trạng viêm gan do một trong năm loại virus viêm gan gây ra, được gọi là các loại A, B, C, D và E. Viêm gan B và C được quan tâm đặc biệt do phần lớn những người bị nhiễm hai loại virus này không biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn sớm của bệnh, và chỉ biết mình mắc bệnh khi thấy ốm dai dẳng có thể tới cả vài chục năm sau khi bị nhiễm vi rút.
Các đường lây truyền của các loại virus viêm gan rất khác nhau. Viêm gan B, C và D lây truyền qua máu của người bị nhiễm, và viêm gan B và C còn lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Viêm gan A và E thường lây truyền qua nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.
Nguồn Chinhphu.vn