Kinh tế thế giới tồi tệ nhất từ năm 2009.
6/17 nước sử dụng đồng euro đang suy thoái. Kinh tế Mỹ chao đảo trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil - những “siêu sao” của các nền kinh tế đang phát triển – không thể vực dậy kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế trên toàn thế giới chưa bao giờ được gắn kết chặt chẽ với nhau đến vậy. Khi một khu vực yếu đi, các khu vực khác cũng yếu theo. Đó là lí do giải thích vì sao châu Âu suy giảm lại gây tổn thương cho các nhà máy ở Trung Quốc và kéo theo hoạt động khai thác mỏ sụt giảm ở Brazil.
Khắp nơi trên thế giới, từ các nhà sản xuất ô tô cho đến các công ty công nghệ, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh mẽ mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở thị trường Trung Quốc và châu Âu.
Giờ đây, một số người đưa ra dự đoán thế giới đang bước vào một cuộc suy thoái mới.
Ngày 24/7, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ triển vọng của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực", đồng thời cảnh báo quỹ cứu trợ trị giá 500 tỷ euro này có thể mất vị trí xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA hiện nay nếu tình hình kinh tế các nước lớn trong khu vực tiếp tục xấu đi.
Quyết định hạ triển vọng EFSF của Moody's phản ánh những biến động về triển vọng của Đức, Hà Lan và Luxembourg, ba nền kinh tế vốn được coi là ổn định nhất trong Khu vực đồng euro (Eurozone), song cũng vừa bị Moody's hạ triển vọng từ "ổn định" xuống "tiêu cực" một ngày trước đó. Theo Moody's, những biến động xấu đi về triển vọng của ba nền kinh tế trên báo hiệu khả năng EFSF có thể sẽ bị đánh tụt mức xếp hạng tín nhiệm trong vòng 12-18 tháng tới.
Trong bối cảnh đó, IMF muốn ngừng viện trợ cho Hy Lạp ngay khi quỹ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng 9 tới. Khi đó, Hy Lạp sẽ vỡ nợ. Sự kiên nhẫn của IMF đối với Hy Lạp đã hết. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuối cùng thì tất cả các tổ chức và quốc gia đã không còn muốn cứu giúp Hy Lạp. Điều đáng buồn là hàng trăm tỷ euro đã bị lãng phí trong 3 năm qua trong nỗ lực ngăn chặn "điều không thể ngăn chặn."
Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đầu tàu kéo cả thế giới ra khỏi suy giảm, giờ đây cũng cần giúp đỡ. Đã 3 năm sau khi khủng hoảng chính thức chấm dứt, kinh tế Mỹ vẫn không thể lấy lại đà tăng trưởng. Tỷ lệ tăng trưởng vẫn ở mức thấp trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8,2% trong tháng 6 và đã có tháng thứ 41 liên tiếp ở mức trên 8%. Trong khi đó, nguy cơ rơi vào vách đá tài khóa đang cận kề.
Tốc độ tăng trưởng thấp nhất 3 năm (7,6% trong quý II) của Trung Quốc chính là đòn mới nhất giáng vào kinh tế toàn cầu. Những nước như Trung Quốc cần phải tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng nhanh và hàng triệu nông dân rời bỏ ruộng vườn di cư lên thành phố. Tuy nhiên, kinh tế nước này đã suy giảm 8 quý liên tiếp - thời kỳ suy giảm dài nhất kể từ năm 1992.
Brazil - 1 ngôi sao khác của các nền kinh tế mới nổi - cũng suy giảm nghiêm trọng. Kinh tế nước này được dự đoán chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2012. Sự suy giảm của Trung Quốc khiến nhu cầu về đậu tương và quặng sắt xuất khẩu từ Brazil lao dốc.
Tương tự, bức tranh không có gì sáng sủa hơn đối với Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Kinh tế chỉ tăng trưởng 5,3% trong quý I vừa qua, thấp nhất 9 năm.
Sự giảm tốc của các nền kinh tế đang phát triển khiến các nền kinh tế lớn như châu Âu và Mỹ khó có thể thoát khỏi vấn đề của chính mình. Ngược lại, nếu các nước giàu có chỉ tăng trưởng yếu ớt, chắc chắn các nước đang phát triển cũng không thể tìm lại được tốc độ tăng trưởng vượt bậc trước đó.
"Trong thế giới kết nối toàn cầu như hiện nay, chúng ta không thể chỉ xem xét những gì đang diễn ra ở từng nước. Cuộc khủng hoảng này không phân biệt biên giới mà đang gõ cửa tất cả các quốc gia trên thế giới," bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF đưa ra nhận định hồi đầu tháng này.
Nguồn www.chinhphu.vn