Châu Á cần chuẩn bị trước khả năng "hạ cánh" của kinh tế Trung Quốc

Theo chuyên gia Joshua Pardede kinh tế Trung Quốc giảm tốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực.

Chuyên gia Joshua Pardede thuộc Công ty chứng khoán PT BNI Security của Indonesia cho rằng thành công của nền kinh tế Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới với con số tăng trưởng ngoạn mục gấp đôi trong ba thập kỷ qua, nhất là khi quốc gia châu Á này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã mở rộng hoạt động thương mại và chuyển đổi nền kinh tế để hội nhập hơn với nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế với trên 1,35 tỷ dân, đông nhất thế giới này đã đươc thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền ở châu Âu và chính sách thắt chặt tiền tệ của Bắc Kinh đã buộc nước này phải giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 xuống 7,5%- một động thái càng làm tăng sự quan tâm quốc tế đến việc hạ cánh của nền kinh Trung Quốc.

Mối quan tâm này có thể được xác định bởi tốc độ tăng trưởng 8,1% của Trung Quốc trong Quý I/2012, chậm hơn đáng kể so với mức tăng tương ứng 8,9% trong Quý IV/2011 và là mức tăng thấp nhất kể từ Quý I/2009. Sự suy giảm này có thể do nhu cầu trong nước và nước ngoài suy yếu, đầu tư và xuất khẩu giảm sút.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc cả về mặt tài chính lẫn và thương mại. Trên thị trường tài chính, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và trái phiếu bởi hiệu ứng lây lan do dòng chảy vốn và giảm nợ từ các nước châu Âu.

Còn trên thị trường thương mại, suy thoái kinh tế của Trung Quốc được kích hoạt bởi sự giảm sút xuất khẩu sang châu Âu- nơi chính sách cắt giảm chi tiêu của các chính phủ đã dẫn đến giảm sút tiêu dùng cá nhân.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng nợ công khiến đồng euro xuống giá làm cho nhập khẩu các sản phẩm từ khu vực này trở nên đắt hơn. Sự kết hợp của hai yếu tố trên ảnh hướng nặng nề đến xuất khẩu sang châu Âu của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ảnh hưởng đến giá cả ở lục địa này và thị trường tài chính Mỹ cũng đã ảnh hưởng đến giá chứng khoán và trái phiếu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, mức đầu tư và lòng tin thị trường cao đã giúp đảm bảo sự ổn định trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Hơn nữa, thị trường trong nước ở Trung Quốc vẫn là một nam châm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này.

Nhu cầu từ thị trường Mỹ và châu Âu tuy giảm sút, song xuất khẩu của Trung Quốc vẫn được hỗ trợ nhờ sự tăng trưởng tích cực ở châu Á, đặc biệt trong đó có việc Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực từ năm 2009. Theo Joshua Pardede, kinh tế Trung Quốc giảm tốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực.

Trong vài năm qua, Trung Quốc liên tục chịu áp lực từ phía Mỹ đòi tăng giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT) để giảm thiểu thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhờ việc giữ đồng NDT thấp hơn tới 40% giá trị thực tế trên thị trường mà Trung Quốc có được lợi thế xuất khẩu và có được dự trữ ngoại hối 1.300 tỷ USD lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm sút từ tháng 1/2012 khi tăng trưởng nhập khẩu vượt quá tăng trưởng xuất khẩu. Sự suy giảm này vẫn tiếp tục trong tháng 2 và lần đầu tiên kể từ hai thập kỷ qua thâm hụt thương mại của Trung Quốc đạt mức cao nhất 31,6 tỷ USD. Hoạt động thương mại Trung Quốc xấu đi là một lý do hợp lý để sửa đổi dự báo tăng trưởng kinh tế nước này. Hơn nữa, trong hai năm trở lại đây Trung Quốc cũng đã điều chỉnh tăng 8,7% giá trị đồng NDT lên 6,2875 NDT/USD.

Khi nền kinh tế Mỹ bị thu hẹp trong giai đoạn 2008-2011, cũng như kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng nợ công từ năm 2010 thì xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á còn có thể chưa bị ảnh hưởng nhiều vì còn nhờ vào thị trường Trung Quốc. Nhưng điều này hiện đã và đang thay đổi khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và theo tác giả, các nền kinh tế châu Á nếu không có sự chuẩn bị trước cho các kịch bản có thể xảy ra thì ảnh hưởng của sự suy thoái này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn./.

Nguồn www.chinhphu.vn