Trong khi thế giới đã công nhận nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hỗn loạn tại khu vực đồng euro, thì một quan điểm lạc quan hơn về Mỹ đang thắng thế. Trong suốt 3 năm qua, thế giới đồng thuận rằng kinh tế Mỹ đang bên bờ một sự phục hồi mạnh mẽ và tự lực, sẽ khôi phục mức tăng trưởng trên tiềm năng. Nhưng hóa ra quan điểm đó là sai khi một tiến trình đau đớn nhằm giảm nợ, phản ánh qua số nợ quá mức của khu vực tư nhân và sau đó là việc chuyển số nợ này sang khu vực công, chỉ ra rằng sự phục hồi vẫn nằm dưới tiềm năng trong nhiều năm tới.
Ngay năm 2012, dự báo chung cho rằng mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ dự kiến đạt trên 3%, nhưng mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự kiến chỉ đạt cao nhất là 1,5%, thấp hơn mức 1,7% của năm 2011. Và hiện nay, sau khi dự báo tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã sai, nhiều người vẫn cho rằng việc giá dầu thấp hơn, doanh số bán ô tô tăng, giá nhà đang phục hồi và sự hồi sinh của khu vực chế tạo Mỹ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay và hỗ trợ mức tăng trưởng trên mức tiềm tàng vào năm 2013.
Thực tế đang ngược lại. Vì 5 lý do sau đây, mức tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục sụt giảm hơn nữa trong những tháng cuối năm 2012 và năm 2013.
Thứ nhất, mức tăng trưởng trong quý 2/2012 đã giảm so với mức 1,8% của quý 1 khi số việc làm mới, trung bình khoảng 70.000 việc làm/tháng, đã giảm mạnh.
Thứ hai, những kỳ vọng về "vực thẳm tài chính" - tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu vào cuối năm nay - sẽ tiếp tục khiến chi tiêu và tăng trưởng thấp hơn trong suốt 6 tháng cuối năm 2012. Tương tự như vậy, sự không chắc chắn về việc ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2013; về tỷ lệ thuế và mức chi tiêu; nguy cơ nữa về việc chính phủ bị đóng cửa do trần nợ; nguy cơ bị hạ xếp hạng tín dụng quốc gia làm bế tắc chính trị sẽ tiếp tục cản trở một kế hoạch củng cố tài chính trung hạn. Trong những điều kiện đó, các công ty và người tiêu dùng sẽ thận trọng trong việc chi tiêu, khiến kinh tế Mỹ suy yếu hơn nữa.
Thứ ba, việc "vực thẳm tài chính" lên tới 4,5% GDP sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2013 nếu mọi quyết định cắt giảm thuế và thanh toán giao dịch được cho phép hết hạn, gây ra việc cắt giảm chi tiêu mạnh. Tất nhiên, sự cản trợ sẽ thấp hơn nếu việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu ôn hòa hơn. Nhưng dù "vực thẳm tài chính" chỉ ở mức 0,5% GDP và mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 1,5%, thì cản trở tài chính này có thể làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ xuống còn 1%.
Thứ tư, mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân trong vài quý gần đây không phản ánh mức tăng lương thực tế. Thay vào đó, mức tăng thu nhập thực tế và tiêu thụ được duy trì từ năm 2011 nhờ việc cắt giảm thuế 1,4 nghìn tỷ USD và gia hạn việc thanh toán giao dịch, đồng nghĩa với khoản nợ công tăng thêm 1,4 nghìn tỷ USD. Không giống như khu vực đồng euro và Anh, đã rơi lại vào suy thoái do việc "thắt lưng buộc bụng" tài chính, Mỹ đang ngăn cản việc giảm nợ của các hộ gia đình bằng việc tăng nợ của khu vực công, tức là "đánh cắp" phần nào tăng trưởng của tương lai. Đến năm 2013, khi việc thanh toán giao dịch bị loại bỏ, dù từ từ, và một số biện pháp miễn thuế hết hạn, mức tăng thu nhập thực tế và tiêu dùng sẽ giảm.
Thứ năm, bốn yếu tố bên ngoài sẽ cản trở sự tăng trưởng của Mỹ là cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro ngày càng tồi tệ; khả năng hạ cánh cứng ngày càng tăng của kinh tế Trung Quốc; sự suy giảm của các nền kinh tế thị trường đang nổi do những yếu tố chu kỳ như sự tăng trưởng yếu kém của các nước phát triển và các nguyên nhân cấu trúc như một mô hình tư bản nhà nước đang làm giảm tiềm năng tăng trưởng; và nguy cơ giá dầu tăng lên trong năm 2013 khi các cuộc thương thuyết và các lệnh trừng phạt không thuyết phục được Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Những phản ứng chính sách sẽ có ảnh hưởng rất hạn chế trong việc ngăn chặn sự suy giảm kinh tế Mỹ. Đồng USD dường như sẽ tăng giá khi cuộc khủng hoảng đồng euro làm suy yếu đồng euro. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ dường như sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng (in thêm tiền) trong năm nay, nhưng sẽ không hiệu quả bởi vì lãi suất dài hạn vốn đã rất thấp và việc giảm lãi suất hơn nữa sẽ không thúc đẩy được chi tiêu. Quả thực kênh tín dụng đã bị "đóng băng" với các ngân hàng đang tăng tích tụ tiền mặt dưới hình thức dự trữ dư thừa. Hơn nữa, đồng USD sẽ không suy yếu khi các nước khác cũng thực hiện việc nới lỏng tiền tệ.
Một sự điều chỉnh lớn giá cổ phiếu sẽ có hiệu lực vào năm 2013 sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào sụt giảm. Và nếu Mỹ, vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt đầu lại hắt hơi, thì toàn thế giới, mà sức miễn dịch đã bị suy yếu do cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và sự suy giảm kinh tế của nước nền kinh tế đang trỗi dậy, sẽ bị viêm phổi./.
Nguồn www.chinhphu.vn