Hạn chế sự phát sinh tàn nhang
BS Trần Thế Viện - giảng viên Bộ môn Da liễu Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: Tuy tàn nhang có thể tìm thấy nhiều nơi trên cơ thể, nhưng ở những vùng da bị phơi nắng nhiều, tàn nhang dễ xuất hiện hơn. Do đó, để hạn chế sự phát sinh tàn nhang, trước tiên cần tránh nắng và sử dụng kem chống nắng đúng cách. Những vùng da được phơi bày như mặt, cổ, tay nên được che kín bằng khăn vải, trang phục, mũ nón rộng vành hoặc bảo vệ bằng kem chống nắng. Kem chống nắng (có chỉ số chống nắng SPF từ 30 trở lên) phải được thoa tối thiểu 20 - 30 phút trước khi ra nắng và lặp lại sau hai giờ hoặc khi xuống nước, đổ mồ hôi nhiều. Ngoài ra, cũng nên giới hạn ra nắng vào thời điểm từ 10g sáng đến 16g.
Nên cẩn thận với một số thuốc uống và bôi tại chỗ (kháng sinh họ tetracycline, quinolone, thuốc kháng viêm non - steroid, lợi tiểu, retinoid... ) vì chúng có thể làm da dễ bắt nắng. Nếu có sử dụng các loại thuốc trên, phải tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ da liễu trước khi dùng.
Ảnh minh họa
Làm mờ bằng thuốc bôi
Để làm mờ tàn nhang, có thể dùng thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống. Các thuốc như: acid glycolic, acid lactic, tretinoin… có chất tiêu sừng, giá rẻ, có thể sử dụng lâu dài, giúp cải thiện các dấu hiệu của da bị lão hóa, hạn chế được mụn. Chúng có nhược điểm là có thể gây kích ứng đối với một số người có da nhạy cảm.
Thuốc không chỉ tác động đến sự hình thành, quá trình melanin hóa, làm mất các hạt melanin mà còn tác động lên cấu trúc màng tế bào melanin, thậm chí tiêu diệt các tế bào này. Tác dụng không mong muốn của thuốc thường phụ thuộc vào liều lượng sử dụng và thời gian điều trị. Thường gặp nhất là gây kích ứng. Ngoài ra, có thể gặp các trường hợp như: ban đỏ, ngứa, dị ứng da, bạc móng, hồng cầu nhược sắc thoáng qua… Tuy nhiên, những tác dụng phụ thường xảy ra khi sử dụng hydroquinone có nồng độ cao trên 2%.
Nếu sợ kích ứng da, có thể lựa chọn các thuốc ít gây kích ứng hơn như: acid ascorbic (vitamin C) tại chỗ, vitamin E tại chỗ. Tuy nhiên, hiệu quả chậm. Lưu ý, cần tránh nắng khi sử dụng, nếu không có thể mang hiệu ứng ngược lại.
Đặc điểm chung của các chất bôi trên da là cho hiệu quả làm mờ tàn nhang rất chậm, phải kéo dài trong nhiều tháng. Nám, tàn nhang kháng lại hầu hết các phương pháp điều trị trong thời kỳ mang thai vì sự thay đổi hormone liên tục của cơ thể. Vì vậy, điều trị thường tiến hành sau khi sinh đẻ. Hơn thế nữa, điều trị trong giai đoạn này có thể không cần thiết vì nám, tàn nhang ở phụ nữ mang thai chỉ xuất hiện tạm thời và sau khi sinh, hormone điều tiết về mức bình thường, hiện tượng nám, tàn nhang có thể sẽ được cải thiện đáng kể.
Xóa bằng phương pháp vật lý
Các phương pháp vật lý cũ: đốt điện, laser CO2, chấm nitơ lỏng… cũng cho kết quả tốt trong việc làm biến mất tàn nhang song có thể để lại sẹo.
Sự ra đời của các thiết bị laser mới: YAG KTP Q-Switched, Q-Switched Ruby, Q-Switched Alexandrite, fractional CO2… tác động trên tế bào đích là melanin đã đem lại nhiều hy vọng cho người bị tàn nhang. Tuy nhiên, chi phí hơi cao và tình trạng sạm da sau viêm hoặc viêm da sau xử lý laser cũng là những trở ngại mà bạn cần cân nhắc. IPL (Intense Pulsed Light: ánh sáng xung nhiệt) thường cho hiệu quả kém trong điều trị tàn nhang do chỉ tác động ở lớp thượng bì (trên cùng của da) và không tập trung vào tế bào đích.
Nguồn phunuonline.com.vn