Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình với chủ trương cần huy động nguồn lực tối đa cho
đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển
Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đã cải thiện đáng kể với nhiều công trình quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Trung Lương- Cần Thơ, xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ...
Chủ trương đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải của Chính phủ đã hình thành mạng lưới đường bộ theo dạng ô bàn cờ bao gồm các trục dọc, trục ngang và hệ thống đường vành đai liên kết với nhau một cách hợp lý.
Hệ thống sân bay đã được quy hoạch trên nguyên tắc đảm bảo kết nối vùng với sân bay quốc tế, phân bổ đều trong khu vực. Hệ thống đường thủy nội địa đã và đang được đầu tư một cách đáng kể đặc biệt là các tuyến sông chính yếu, đảm bảo khả năng kết nối khu vực với các cảng sông, cảng biển. Đã hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng có tính đến sự kết hợp các phương thức vận tải nhằm phù hợp với đặc điểm tự nhiên của khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đã nhìn nhận, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông vận tải chính là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội của toàn vùng phát triển một cách nhanh chóng.
Từ nay đến 2015, các địa phương vùng ĐBSCL cũng sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng đường giao thông liên xã bằng xi măng theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
“Trong 3 năm vừa qua, nếu hạ tầng giao thông toàn vùng ĐBSCL không được ưu tiên đầu tư thì không thể có những kết quả phát triển kinh tế xã hội khởi sắc như vậy”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông vận tải của toàn vùng ĐBSCL nhưng không chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách vốn đã rất hạn hẹp.
“Công trình nào làm sớm được là làm, không chỉ trông chờ vào ngân sách, vốn ODA mà sẽ huy động từ tất cả các nguồn, các phương thức hợp tác”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng đề án khai thác hiệu quả các cảng hàng không đã và đang xây dựng theo quy hoạch, đồng thời, sớm nghiên cứu các tuyến bay nội địa, tuyến bay kết nối, liên kết với các hãng hàng không khác. Đồng thời, xây dựng quy chế quản lý chất lượng công trình giao thông, theo đó quy rõ trách nhiệm của cả trung ương, địa phương đối với các công trình giao thông trên địa bàn, không phân biệt hình thức triển khai, chủ đầu tư.
Xác định danh mục theo thứ tự ưu tiên
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh ĐBSCL, các bộ, ngành trong việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian vừa qua.
Đại diện các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận hạ tầng giao thông vận tải chính là động lực thúc đẩy kinh tế,
xã hội của toàn vùng phát triển một cách nhanh chóng. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng cho rằng kỳ vọng của Chính phủ, của các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 638/QĐ-TTg là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, cuối năm 2011, nửa đầu năm 2012 bối cảnh quốc tế và trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, mục tiêu của các chính sách điều hành vĩ mô là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, nguồn vốn bố trí cho ngành giao thông vận tải nói riêng, cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung của cả nước càng hạn hẹp.
“Đối với ngành giao thông vận tải, nguồn ngân sách Nhà nước như hiện nay chỉ đủ cân đối vốn đối ứng cho các dự án ODA, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu”, Phó Thủ tướng phân tích.
Mặt khác, ngồn vốn ODA ưu đãi sẽ ngày càng giảm dần do Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình; khả năng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư các dự án trong khu vực là rất khó khăn. Đây là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong khu vực.
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các Bộ, ngành rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình mang tính chất động lực, có trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL đã nêu trong Quyết định số 638/QĐ-TTg để tập trung nguồn lực đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
“ Đến giai đoạn này tính liên kết vùng càng đòi hỏi đặt lên cao hơn nữa. Những công trình nào ảnh hưởng lớn đến tính liên kết vùng cần được ưu tiên cao hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình với chủ trương cần huy động nguồn lực tối đa cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cùng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng cấp bách đặc biệt là hệ thống cầu yếu; Tìm kiếm nguồn vốn để hoàn chỉnh dứt điểm các công trình dở dang, đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Nguồn www.chinhphu.vn