(Ảnh: Chinhphu.vn)
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, sáng 19/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhóm giải pháp rất quan trọng tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất chính là tín dụng. Chính phủ sẽ dành lượng vốn nhất định để phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là thế mạnh của toàn vùng.
Giữ ổn định kinh tế trong khó khăn
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, 6 tháng đầu năm 2012, nông dân ĐBSCL được mùa, nhưng giá lúa xuống thấp do thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn, tồn kho lớn. Một số mặt hàng nông sản khác như trái cây, dừa, thủy sản… tuy sản lượng đạt khá nhưng giá đều giảm và khó tiêu thụ. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,6%.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động tổ chức lại sản xuất, chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu đầu vào, duy trì được sản xuất, đạt mức tăng trưởng hơn 11%, đạt 103,6 ngàn tỷ đồng.
Các địa phương vùng ĐBSCL đã tổ chức dạy nghề cho hơn 83.000 người, trong đó hơn 34.000 lao động nông thôn, tạo 152.000 việc làm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 78,9 ngàn tỷ đồng, tăng 5,27% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách toàn vùng đạt 15,5 ngàn tỷ đồng, đạt 45% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Các tỉnh có nguồn thu tăng so với cùng kỳ là Hậu Giang (29,25%), Kiên Giang, Trà Vinh (10%).
Tình hình an ninh chính trị trên toàn vùng cơ bản được giữ vững, không xảy ra vụ việc phức tạp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng.
Từ nay đến cuối năm, mục tiêu chung của toàn vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200.000 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt 34.000 tỷ đồng; giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo.
Kiến nghị cơ chế, giải pháp phát triển sản xuất
Thảo luận tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo và các ban, ngành địa phương liên quan tập trung bàn bạc, kiến nghị về cơ chế, giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Lãnh đạo các địa phương kiến nghị cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để đầu tư hạ tầng
giao thông, thủy lợi cho vùng ĐBSCL. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, trước mắt có các giải pháp kịp thời để tạm trữ lúa, ổn định giá lương thực cũng như tạo điều kiện cho bà con nông dân ổn định sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân đề xuất cơ chế chủ động mua dự trữ gạo xuất khẩu khi giá xuống thấp, khi giá lên thì tổ chức đấu giá cho doanh nghiệp mua lại để xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, các địa phương cần chủ động xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh. Đồng thời, phải có các giải pháp để tập trung bảo vệ, phát triển thương hiệu đối với những thương hiệu đã được xây dựng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương kiến nghị cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi cho vùng ĐBSCL bởi đây là những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng.
Cấp vốn tín dụng cho sản xuất
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, Chính phủ đã ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có 2 nhóm giải pháp “mạnh” là tháo gỡ khó khăn qua các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Đối với vùng ĐBSCL, nhóm giải pháp rất quan trọng tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất chính là tín dụng. Chính phủ sẽ dành lượng vốn nhất định để phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, là thế mạnh của toàn vùng.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình cơ chế phối hợp liên kết vùng để cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, liên kết vùng phải có quy chế, được tổ chức chặt chẽ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương thực hiện tốt chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có các giải pháp toàn diện để nâng cao chất lượng giáo dục vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các bộ ngành đề xuất cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng ĐBSCL; đề xuất cơ chế phù hợp để phát triển đảo Phú Quốc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra: “Cơ chế mới phải hạn chế tối đa bất lợi, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng ĐBSCL”.
Đồng tình với kiến nghị của các địa phương nêu tại Hội nghị nhằm phát huy lợi thế của cả vùng, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp thu để sớm nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học những kiến nghị của các địa phương; các bộ, ngành chủ động rà soát lại tất cả quy hoạch, trước hết là quy hoạch ngành, quy hoạch gắn với sự phát triển của từng địa phương và toàn vùng.
Nguồn www.chinhphu.vn