Đây là một trong những nội dung của Nghị định số 46/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Như vậy, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, từ ngày 15/7/2012, chủ phương tiện, chủ cơ sở chỉ cần có văn bản thông báo cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC cùng các tài liệu chứng minh đi kèm là có thể hoạt động ngay mà không cần chờ phản hồi từ phía cơ quan Cảnh sát PCCC.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy - Ảnh minh họa
Các đối tượng được áp dụng theo Nghị định số 46/2012/NĐ-CP bao gồm: Nhà ở, khách sạn, văn phòng làm việc, nhà cho thuê văn phòng có chiều cao từ 7 tầng trở lên; Cơ sở sản xuất, chế biến xăng dầu, khí đốt hoá lỏng và hoá chất dễ cháy, nổ, với mọi quy mô; Cơ sở sản xuất, gia công, cung ứng, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Kho xăng dầu có tổng dung tích 500m3 trở lên, kho khí đốt hoá lỏng có tổng trọng lượng khí từ 600kg trở lên; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng.
Chợ kiên cố hoặc bán kiên cố có tổng diện tích kinh doanh từ 1.200m2 trở lên hoặc có từ 300 hộ kinh doanh trở lên, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hoá có tổng diện tích các gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m3 trở lên.
Nhà máy nhiệt điện có công suất từ 100MW trở lên, nhà máy thủy điện có công suất từ 20MW trở lên, trạm biến áp có điện áp từ 220KV trở lên.
Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy như tàu thủy, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm cháy, nổ được chế tạo mới hoặc hoán cải.
Nguồn chinhphu.vn