7 Luật và 2 Nghị quyết được công bố chiều 16/7 gồm: Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quảng cáo, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển đảo
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta.
Cùng với việc việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tấm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cũng theo ông Bùi Thanh Sơn, Luật Biển Việt Nam được xây dựng với mục đích để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Việc xây dựng Luật Biển Việt Nam bắt đầu từ năm 1998 trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế, trong đó, có thực tiễn của các nước và yêu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của nước ta.
Quản lý điều hành giá công khai minh bạch
Theo đại diện Bộ Tài chính, với việc Luật Giá đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ có một môi trường pháp lý công khai minh bạch để quản lý, điều hành giá của toàn bộ nền kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và cam kết quốc tế. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem xét, công nhận là nền kinh tế thị trường.
Mục tiêu, yêu cầu trọng tâm nhất của Luật này là thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu đặt ra là thể chế hóa đúng đắn đường lối chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhà nước.
9/11: Ngày Pháp luật Việt Nam
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên đột phá của quá trình thi hành pháp luật, có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Luật PBGDPL có 5 Chương, 41 Điều với những nội dung cơ bản quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân, chính sách của nhà nước về PBGDPL và xã hội hóa công tác PBGDPL, quản lý nhà nước về PBGDPL, về báo cáo viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở.
Đáng chú ý, Luật PBGDPL quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Hiến pháp năm 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của nước ta. Để quy định chi tiết nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam, đảm bảo tính khả thi, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Luật PBGDPL sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2013.
Luật Giám định tư pháp là một đạo luật quan trọng, liên quan đến hoạt động của các cơ quan tố tụng, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức và cá nhân khác được trưng cầu, yêu cầu giám định, đặc biệt liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cũng như những người tham gia tố tụng khác trong các vụ án. Bên cạnh đó, Luật cũng đặt ra những nhiệm vụ mới trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp như: tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực giám định tư pháp, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức pháp y…
Luật Giám định tư pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
Luật Xử lý vi phạm hành chính có nội dung lớn, phức tạp, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội được bố cục thành 6 Phần, 12 Chương và 142 Điều, trong đó, có quy định về xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp xử lý hành chính, những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính…
Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Riêng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định như biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Luật Quảng cáo được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước, cụ thể các hóa các quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2011), đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Luật gồm 5 Chương và 43 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, quảng cáo có yếu tố nước ngoài.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
Luật Tài nguyên nước ban hành năm 1998 là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhược điểm. Luật Tài nguyên nước lần này đã bổ sung 39 Điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 Điều của Luật Tài nguyên nước năm 1998.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
Nguồn www.chinhphu.vn